Những câu chuyện về Hùng Vương và thời đại khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi, khởi dựng cơ nghiệp nước Việt ta được lưu lại thành văn kể từ triều nhà Trần (1226-1400) trong các sách như: "Đại Việt sử ký", "Việt Nam thế chí", "Khâm định Việt sử Thông giám cương mục", "Lĩnh Nam chích quái", "Việt điện u linh"...
Trước đó, những câu chuyện về tổ tiên, nòi giống của người Việt đã lưu truyền trong dân gian, truyền khẩu từ đời này qua đời khác, giải thích về nguồn cội, động viên về tinh thần cộng đồng, cổ vũ niềm tự hào của dân tộc. Như Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc-tác giả cuốn “Việt Nam thế chí” (1472) viết trong lời tựa của sách, những gì mà ông ghi chép trong sách chỉ là “những chuyện góp nhặt được” từ những “tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này”, song nếu người đọc sách biết “lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử”. Lời người xưa cũng chính là nhận thức hợp lý về một vấn đề có tính quy luật rằng, mọi thứ thần thoại, huyền tích nói cho cùng đều có nguồn gốc từ thực tế, đều xuất phát từ những con người, sự việc đã tồn tại trong cuộc sống hiện thực.
Năm 1470, thời đại Hùng Vương được chính thức xác nhận trong chính sử Việt Nam. Đó là khi Vua Lê Thánh Tông giao cho Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Cố soạn “Ngọc phả cổ truyền về 18 đời Thánh vương triều Hùng” (Ngọc phả Hùng Vương). Kể từ đây, tông phả Hùng Vương cũng được xác lập ở cấp độ nhà nước và Hùng Vương chính thức được công nhận là Tổ của dân tộc hay còn gọi là Quốc Tổ. Tại bộ "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sỹ Liên (1479), lai lịch dòng dõi, tôn hiệu của thời đại Hùng Vương được trình bày trân trọng, đầy đủ trong Kỷ Hồng Bàng thị-kỷ nguyên mở đầu cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Các bộ sử của triều nhà Lê và các triều đại về sau như: "Việt sử thông giám" của Vũ Quỳnh (thế kỷ XVI), "Đại Việt sử ký tục biên" (thế kỷ XVIII), "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú (thế kỷ XIX), "Khâm định Việt sử Thông giám cương mục" của Quốc sử quán triều Nguyễn (thế kỷ XIX)... đều coi thời đại Hùng Vương là giai đoạn khai nguyên cho lịch sử dân tộc Việt Nam.
![]() |
Con Lạc, cháu Hồng giương cao cờ hội thể hiện sức sống bền bỉ của dòng giống Tiên Rồng. Ảnh: HỮU TRƯỞNG |
Tục lệ thờ cúng Hùng Vương đã có từ xa xưa trong dân gian Việt Nam. Một số tài liệu lịch sử cho rằng, tục lệ thờ cúng Hùng Vương có từ cách đây hơn 2.000 năm, khởi đầu từ sự kiện Thục Phán-An Dương Vương sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, đã lên núi Nghĩa Lĩnh dựng cột đá giữa đỉnh núi, ngẩng mặt lên trời mà thề rằng: “Nguyện có trời cao lồng lộng, đất rộng mênh mông chứng giám không bao giờ sai, nước Nam sẽ mãi mãi trường tồn, lăng miếu Tổ Hùng Vương sẽ còn mãi mãi. Xin nguyện đời đời trông nom lăng miếu và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hứa, sai thề sẽ bị búa giăng, rìu gió trừng phạt". Đến thời nhà Nguyễn, triều đình đặc biệt quan tâm đến việc thờ cúng Hùng Vương, cho tôn tạo các đền miếu trên núi Nghĩa Lĩnh, lấy mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương, san định nghi thức lễ tế Quốc Tổ ở Đền Hùng (Phú Thọ), quy định về nguồn thu thuế ở địa phương để cấp cho việc trông nom, hương khói và tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ hằng năm. Triều đình còn rước bài vị Hùng Vương vào thờ trong miếu Lịch đại đế vương ở kinh thành Huế.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 22C NV/CC quy định mồng 10 tháng Ba âm lịch là ngày kỷ niệm lịch sử Hùng Vương. Trong ngày đó, các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa, cử nhân viên phụ trách công việc thường trực, viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền hưởng lương trong những ngày nghỉ lễ chính thức. Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 1946 được tổ chức trọng thể vào mồng 10 tháng Ba âm lịch tại Đền Hùng, Phú Thọ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ Nguyễn Xiển, thay mặt Nhà nước lên Đền Hùng để cáo yết Quốc Tổ. Từ đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, ngày càng lan tỏa ý nghĩa, được nhân dân cả nước trân trọng, hưởng ứng. Ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm đã trở thành ngày lễ chính thức của Nhà nước; nghi lễ tế Tổ Hùng vương trong ngày lễ của những năm chẵn do Nhà nước chủ trì, những năm khác do tỉnh Phú Thọ thay mặt cả nước chủ trì tổ chức. Cùng với hệ thống lăng, miếu, đền, chùa thờ tự Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh, nhiều địa phương trong cả nước đều có những công trình xây dựng thờ vọng Quốc Tổ và những nhân vật của thời đại Hùng Vương là những anh hùng, những người có công trạng với nước, với dân. Mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm, khi lễ tế Quốc Tổ được cử hành trọng thể, trang nghiêm ở Đền Hùng thì khắp các địa phương trong cả nước cũng tổ chức lễ tế hoặc những hình thức kỷ niệm long trọng khác; trên khắp cõi Việt Nam, không ở đâu không thơm ngát khói nhang tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn dân tộc. Trong ngày này, nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng hướng về quê hương, tổ chức ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương với những hình thức rất phong phú.
![]() |
Giao lưu văn nghệ tại Lễ hội Đền Hùng năm Ất Tỵ 2025. Ảnh: TẠ TOÀN |
Ngày 6-12-2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đây, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là di sản tinh thần vô giá của dân tộc ta mà đã trở thành một giá trị tinh thần của chung nhân loại, tô đậm thêm bản sắc của dân tộc, niềm tự hào của người dân Việt Nam, góp phần lan tỏa văn hóa Việt Nam trên phạm vi quốc tế.
Trải qua lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn bó mật thiết với tục lệ thờ cúng tổ tiên, trở thành giá trị tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc ta. Từ trong gian khổ, khó khăn của cuộc đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, chống kẻ thù xâm lược luôn rình rập xung quanh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được nhân dân hun đúc, làm cho ngày càng linh thiêng hơn, đẹp đẽ hơn, phong phú hơn. Đó không chỉ là biểu hiện của lòng biết ơn đối với tổ tiên, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” mà còn là sợi dây tinh thần kết nối giữa các thế hệ, để cho Tổ tiên luôn “sống” cùng hiện tại với những giá trị đã tích lũy qua thời gian, được trao truyền qua các thế hệ và con cháu mai sau không bao giờ xa rời những truyền thống tốt đẹp, có trách nhiệm giữ gìn những thành tựu, di sản của các thế hệ đi trước tạo lập nên và để lại. Đó không chỉ là sự thiêng hóa những hình tượng lịch sử để răn dạy con cháu, giáo dục cộng đồng mà đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, sức mạnh tinh thần quan trọng góp phần cố kết dân tộc, tạo nên sức mạnh, vượt qua những khó khăn, gian khổ trong lao động xây dựng cuộc sống, những thử thách, hiểm nghèo trong đấu tranh chống giặc giã, bảo vệ cõi bờ. Đó không chỉ là một giá trị có ý nghĩa gắn kết trong cộng đồng mà còn là biểu hiện của một bài học sâu sắc, một chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam về lòng biết ơn đối với tổ tiên, đối với các thế hệ đi trước, sự ý thức đầy đủ rằng “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, “Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”.
Dân tộc Việt Nam ngày nay thật hạnh phúc bởi được cha ông trao truyền một di sản tinh thần vô giá, đó là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng vị Thủy Tổ của cả cộng đồng dân tộc. Không ở đâu trên trái đất này có một dân tộc như chúng ta, tin tưởng và tôn vinh một vị Thủy Tổ chung, gần gũi yêu thương như người cha, người mẹ trong gia đình. Không có một dân tộc nào như dân tộc ta, mọi người gọi nhau bằng “đồng bào”-người cùng sinh ra từ một bọc, nghĩa là người có chung mẹ, chung cha, chung nguồn gốc giống nòi. Chúng ta biết ơn Quốc Tổ Hùng Vương và các thế hệ cha ông đã tạo dựng, hun đúc và trao truyền cho hạnh phúc ấy, may mắn ấy. Nhưng chỉ biết ơn là chưa đủ, quan trọng và cần thiết hơn là chúng ta phải tiếp tục phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để làm giàu có hơn bản sắc, phong phú hơn ý nghĩa của nền văn hóa Việt Nam.
Đất nước ta đang trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên phát triển mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với ý nghĩa văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển, việc phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ góp phần không nhỏ vào nỗ lực chung của cả nước nhằm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2045-kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam-trở thành nước phát triển, thu nhập cao, mang lại hạnh phúc nhiều hơn cho nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!