Được tiếp thêm động lực và kiến thức cần thiết từ các lớp tập huấn, những hạt nhân văn nghệ quần chúng, các đội văn nghệ mẫu càng thêm hăng say luyện tập, đưa phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương phát triển, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và bảo tồn văn hóa dân tộc.

Tham gia lớp bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ quần chúng tại xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, chúng tôi cảm nhận không khí sôi nổi, hào hứng của lớp học này. Trong không gian rộng rãi của nhà văn hóa xã, các học viên say mê luyện tập, thực hành từng động tác múa theo hướng dẫn của 2 biên đạo múa giàu kinh nghiệm đến từ Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh. Những bước chân hòa nhịp theo tiếng nhạc rộn ràng, tiếng biên đạo dõng dạc hô nhịp và thị phạm, những giọt mồ hôi rịn trên trán, nhưng những học viên vẫn hăng say tập luyện, chăm chú lắng nghe hướng dẫn của thầy giáo để thực hiện đúng động tác.
Chị Hoàng Thị Phưa, Đội trưởng Đội văn nghệ bản Dè, xã Chiềng Dong, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Trước đây, các thành viên trong đội chỉ học theo những bài múa trên youtube để dựng thành bài. Sau khi được tập huấn, chúng tôi học được cách dàn dựng, biên đạo tiết mục múa, tổ chức chương trình văn nghệ quy mô nhỏ. Đặc biệt là hiểu hơn về xây dựng tiết mục văn nghệ sao cho hay, hấp dẫn và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
.jpg)
Theo kế hoạch, mỗi năm, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh tổ chức từ 6-7 lớp tập huấn tại cơ sở cho học viên là thành viên các đội văn nghệ bản. Tham gia lớp tập huấn, chủ yếu là phụ nữ độ tuổi từ 25-50. Mỗi lớp tập huấn kéo dài 9-10 ngày, học viên được truyền đạt, trao đổi kiến thức cơ bản về cách thức xây dựng, tổ chức chương trình văn nghệ, bồi dưỡng về kỹ năng múa, thanh nhạc, dàn dựng và biên đạo múa, tiết mục văn nghệ tổng hợp.
NSƯT Lò Hải Lam, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, chia sẻ: Lớp tập huấn sẽ giúp học viên nắm được những kiến thức cơ bản trong dàn dựng, biên đạo các tiết mục biểu diễn văn nghệ quần chúng, có khả năng tổ chức các hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ tại địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân tại cơ sở.

Vận dụng những kiến thức nắm được, các học viên biết cách dàn dựng tiết mục múa hoặc hát múa tập thể theo hướng bài bản hơn, động tác múa có “hồn” hơn. Đặc biệt, qua lớp tập huấn, các học viên ý thức được việc xây dựng chương trình văn nghệ tại cơ sở vừa hấp dẫn, vừa đảm bảo thuần phong mỹ tục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chị Điêu Thị Huyền, bản Quyền, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, phấn khởi nói: Năm ngoái tôi được tham gia lớp tập huấn hạt nhân cơ sở tại huyện, được các thầy hướng dẫn từ những động tác đơn giản nhất, đến cách dàn dựng các tiết mục múa, hát. Tôi học được nhiều tiết mục hay, thiết thực, phổ biến lại cho đội văn nghệ của bản, cùng xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ tại cơ sở.

Tham gia lớp tập huấn hạt nhân văn nghệ cơ sở do Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh tổ chức tại huyện Mường La vào cuối tháng 3 vừa qua, các đội văn nghệ của xã Chiềng San và Chiềng Hoa đã được các biên đạo múa dàn dựng cho một số tiết mục văn nghệ mẫu. Chị Lò Thị Linh, Đội trưởng Đội văn nghệ bản Nong Luồng, xã Chiềng San, hào hứng nói: Được các biên đạo múa dàn dựng, các tiết mục múa hấp dẫn hơn rất nhiều. Người múa biết cách thể hiện đúng động tác, di chuyển, tạo dáng, tạo hình linh hoạt, uyển chuyển, biết cách biểu diễn sao thu hút, khác hẳn với những tiết mục chúng tôi tự dàn dựng trước đây.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.000 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, tiểu khu, tổ dân phố, đơn vị trường học cùng các câu lạc bộ cùng sở thích. Các đội văn nghệ quần chúng còn có các nghệ nhân dân gian, những người nắm giữ văn hóa dân tộc và đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn, truyền thụ văn hóa truyền thống. Nhiều đội văn nghệ quần chúng tiêu biểu tại các bản là những nhân tố nòng cốt tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa – du lịch của các địa phương.
Các lớp tập huấn hạt nhân văn nghệ cơ sở được tổ chức hằng năm đã và đang góp phần duy trì hiệu quả phong trào văn nghệ quần chúng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và thiết thực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!