“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba...” Câu ca đã in sâu trong tâm thức của mỗi người con đất Việt từ nhiều đời nay.

Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ trọng đại của cả dân tộc, là dịp để triệu triệu người con đất Việt tưởng nhớ về cội nguồn và thể hiện lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với các vị Vua Hùng. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành điểm tựa tinh thần, để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường như hôm nay.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ truyền thuyết mẹ Âu Cơ kết duyên cùng Lạc Long Quân, hạ sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con, nguồn gốc của giống nòi nước Việt. 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển. Người con cả ở lại vùng đất Phong Châu, tỉnh Phú Thọ khai sơn, phá thạch, mở mang bờ cõi, lập ra nước Văn Lang được cai trị bởi 18 đời vua Hùng.
Khắc ghi công lao to lớn ấy, người Việt suy tôn các vua Hùng là thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước. Việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó, Phú Thọ là tâm điểm của thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vào dịp Giỗ Tổ mùng mười tháng ba âm lịch hàng năm, hàng triệu người dân cả nước và kiều bào hành hương tìm về đất tổ, thành kính tưởng nhớ các vị vua Hùng.
Tại tỉnh Sơn La có hàng chục ngàn người là con cháu của quê hương Phú Thọ, họ đến với mảnh đất nơi Tây Bắc để sinh sống, lập nghiệp trên quê mới. Bà Hà Thị Ngọc Loan, 90 tuổi, quê ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Phú Thọ cùng gia đình lên Sơn La khai hoang lập nghiệp từ những năm 1970, đến nay, gia đình bà Loan đã có 4 thế hệ sinh sống tại Sơn La.
Bà Hà Thị Ngọc Loan chia sẻ: Trước kia còn khỏe, tôi thường về quê vào dịp Giỗ Tổ mùng 10/3 âm lịch, hành hương lên núi Nghĩa Lĩnh, chiêm bái đền thờ các vua Hùng. Năm nay, tuổi cao sức yếu, không có điều kiện về thăm quê nên cả gia đình quây quần cùng nhau dõi về quê hương qua màn hình nhỏ. Tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, chúng tôi luôn răn dạy con cháu luôn nhớ về nguồn cội và nối tiếp truyền thống cho các thế hệ sau này. Đồng thời, nỗ lực cống hiến xây dựng phát triển cho quê hương.
Xuất phát từ nguyện vọng của những người con Phú Thọ sinh sống tại Sơn La, Hội đồng hương Phú Thọ tại thành phố Sơn La được thành lập năm 2002, đến nay, có gần 170 hội viên tham gia. Đã trở thành truyền thống, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, các thành viên của Hội lại sum họp, giao lưu, cùng nhau trao đổi về những câu chuyện trong cuộc sống và thông tin về quê nhà. Năm nay, các thành viên tổ chức gặp mặt tại gia đình cụ Sa Đình Bình, đã 102 tuổi ở tổ 1, phường Quyết Thắng. Mọi người chuẩn bị mâm cúng theo đúng phong tục truyền thống, gồm: Bánh chưng, bánh dày, hoa quả... rồi cùng nhau thắp nén tâm hương, thể hiện lòng thành kính hướng về đất Tổ.
Ông Nguyễn Đức Thủy, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ tại thành phố Sơn La, cho biết: Với vai trò tập hợp hội viên, hàng năm chúng tôi tổ chức các chuyến tham quan, du lịch về nguồn vào dịp Giỗ tổ. Ngoài ra, Hội chú trọng thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa xã hội, thúc đẩy phong trào khuyến học khuyến tài, thi đua yêu nước xây dựng xã hội học tập, xây dựng đời sống văn hóa... Nhớ về quê cha, đất Tổ, chính là động lực để bà con người Phú Thọ ở Sơn La nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, nhất là cống hiến công sức của mình xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm tựa tâm linh, giá trị văn hóa truyền thống, sợi dây kết nối bền chặt cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 54 dân tộc anh em, dù là người Kinh hay bà con đồng bào Thái, Mường, Mông, Dao... dù ở miền xuôi hay miền núi rừng Tây Bắc, tất cả đều là con Lạc, cháu Rồng, cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương đất nước giàu đẹp, xứng đáng với các bậc tiền nhân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!