Chi trả đầy đủ, kịp thời chính sách dịch vụ môi trường rừng

Thực hiện công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023 từ nguồn thu năm 2022, từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Hội đồng quản lý quỹ tỉnh, tập trung triển khai chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng kế hoạch.

Cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu hướng dẫn nhân dân trồng rừng.

Thực hiện quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, ngay từ quý IV/2022, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm; Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố; UBND các xã và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan cập nhật diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng trồng thành rừng và các diện tích rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR, trình các cơ quan thẩm định, phê duyệt kết quả xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả nhiệm vụ “Xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng nguồn thu năm 2022”, với tổng diện tích gần 559.704 ha rừng của trên 40.000 chủ rừng trong toàn tỉnh. Trong đó, 467.594 ha thuộc các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; UBND cấp xã, tổ chức khác được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 92.110 ha rừng thuộc chủ rừng tổ chức là các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang...

Để bảo đảm tiến độ chi trả, công khai, minh bạch, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chỉ đạo các Chi nhánh rà soát, bảo đảm đầy đủ thông tin về chủ rừng, diện tích rừng được chi trả theo từng xã để cập nhật vào dữ liệu phục vụ công tác xác định thực địa, phối hợp giải quyết những kiến nghị và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các chủ rừng qua tài khoản Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng CSXH.

Chi nhánh Thuận Châu - Quỳnh Nhai, thuộc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La, là đơn vị thực hiện chi trả DVMTR cho 3.182 chủ rừng thuộc 28 xã của huyện Thuận Châu, tổng số tiền gần 20 tỷ đồng và 1.257 chủ rừng  thuộc 11 xã của huyện Quỳnh Nhai, tổng số tiền trên 26 tỷ đồng. Ông Đỗ Quốc Hưng, Trưởng Chi nhánh, thông tin: Đến nay, đơn vị đã thực hiện chi trả xong toàn bộ tiền DVMTR cho các chủ rừng. Đồng thời, phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện, chính quyền các xã thường xuyên kiểm tra việc sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng là cộng đồng bản, bảo đảm đúng quy chế.

Năm 2023, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu được chi trả hơn 8 tỷ đồng tiền DVMTR và cấp gần 4,2 tỷ đồng trong tổng số 7 tỷ 770 triệu đồng được phân bổ để trồng gần 111 ha rừng thay thế ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban quản lý, cho biết: Từ nguồn DVMTR, đơn vị đã chi trả kịp thời cho 47 cộng đồng bản ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng - phòng hộ, góp phần nâng cao chất lượng rừng, cũng như ý thức bảo vệ rừng của người dân và thực hiện hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế của năm nay.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chỉ đạo Chi nhánh phối hợp với lực lượng kiểm lâm, các ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên và chính quyền các xã hướng dẫn các chủ rừng là cộng đồng bản xây dựng quy chế quản lý bảo vệ, phát triển rừng, đầu tư xây dựng các công trình PCCCR và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ bảo vệ rừng từ nguồn DVMTR được chi trả.

 Từ nhiều năm nay, bản Bo Xanh, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai là một trong những cơ sở làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Anh Lường Văn Thanh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, chia sẻ: Bản có 280 hộ, đang quản lý  916 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ. Năm nay, bản nhận được 684 triệu đồng tiền DVMTR, thực hiện theo quy chế, trích 40% phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng và 60% đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân. Từ nguồn DVMTR, toàn bộ diện tích rừng được bảo vệ tốt, không còn tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản trái phép, không để xảy ra cháy rừng. Bản cũng vừa trích tiền mua cây giống để bà con trồng 30 ha rừng phòng hộ và sản xuất. Hiện nay, cả bản chỉ còn 2,5% hộ nghèo.

Với việc triển khai chi trả kịp thời, đầy đủ DVMTR, đã góp phần hỗ trợ sinh kế, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống của người dân. Diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ tốt hơn, nhiều diện tích đất trống, đồi trọc từng bước được thay thế bằng rừng sản xuất, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân từ nghề rừng.

 Bài, ảnh: Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới