Cơ chế, chính sách - chìa khóa đưa nông nghiệp Sơn La bứt phá ● Kỳ I: Dấu ấn từ những nghị quyết của HĐND tỉnh

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 và 2020-2025, nhất là các quan điểm và mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, Sơn La đã tập trung cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang tính đột phá về lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp thực tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa Sơn La trở thành điểm sáng nông nghiệp cả nước.

Chuỗi nghị quyết sát thực tiễn

Sơn La là tỉnh miền núi cao, biên giới. Hơn 10 năm trở về trước, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều chọn cây ngô và những cây ngắn ngày gieo trồng trên đất dốc. Việc mở rộng diện tích trồng đã làm ảnh hưởng đến những cánh rừng xanh. Vào mùa sản xuất, trên những vạt nương, triền đồi nghi ngút khói, người dân phát, đốt nương, khiến cho các quả đồi trọc lốc, đất bạc màu, đời sống nông dân mãi khó khăn với vòng luẩn quẩn nghèo đói.

Đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác của tỉnh kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả tại huyện Mai Sơn năm 2017.  

Trước thực trạng đó, tỉnh Sơn La đã tổ chức rất nhiều cuộc khảo sát các mô hình ghép mắt cây ăn quả ở cơ sở, tổ chức những cuộc hội thảo và tham quan học tập mô hình ở các tỉnh, thành trong cả nước. Đó là cơ sở quan trọng, để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Thông báo Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc mở đầu cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân Sơn La.

Trong 2 năm 2017-2018, qua các kỳ họp, HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND và Nghị quyết số 80/2018/NQ-HĐND về thông qua Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021.

Điểm đáng quan tâm là mỗi nghị quyết đều liên quan đến việc bảo đảm cân đối nguồn ngân sách trong điều kiện của tỉnh rất khó khăn. Yêu cầu này luôn đặt ra trên bàn nghị sự của HĐND tỉnh là ban hành chính sách vừa phải tiết kiệm, vừa phát huy tối đa hiệu quả. Điển hình là Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND có quy định chính sách hỗ trợ 200 nghìn đồng/hộ dân tham gia ghép mắt cải tạo vườn tạp, riêng hộ tái định cư thủy điện Sơn La hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ.

Thời điểm đó, 1 mắt ghép có giá 8.000 đồng, với mức hỗ trợ của Nhà nước, trung bình mỗi hộ ghép khoảng 16 mắt. Với nguồn ngân sách khoảng 18 tỷ đồng, từ năm 2017-2018, Sơn La hỗ trợ gần 90.000 hộ, với khoảng 30% dân số của tỉnh tham gia ghép cải tạo trên 13.000 ha cây ăn quả các loại. Nhờ đó, đã chuyển đổi 52.190 ha cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến năm 2020, thành quả bước đầu đáng ghi nhận là diện tích, sản lượng quả tăng gấp 3,3 lần so với năm 2015, đưa Sơn La trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng thứ 2 cả nước, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cho thu nhập từ 200-400 triệu đồng/ha...

Mô hình trồng bưởi diễn ở xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

Từ năm 2015 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành trên 14 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có “chuỗi” 8 nghị quyết mấu chốt đã tạo bước đột phá cho nông nghiệp của tỉnh Sơn La phát triển mạnh mẽ. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; gần 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương; 281 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, công nhận nhãn hiệu. Thương hiệu trái cây Sơn La an toàn đạt các tiêu chuẩn đưa vào bán tại hệ thống các siêu thị, xuất khẩu các thị trường, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Từ chủ trương phát triển cây ăn quả, thống nhất về cơ chế, chính sách, gắn quy hoạch với tổ chức lại sản xuất, khai thác lợi thế từng vùng, tạo bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở Sơn La, mở ra quá trình chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần tạo nên “Hiện tượng nông nghiệp Sơn La”.

Để có những nghị quyết đúng và trúng

Hoạt động sản xuất nông nghiệp khởi sắc không chỉ góp phần nâng cao đời sống người nông dân mà còn khẳng định việc chú trọng phát triển nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn, hiệu quả của địa phương. Đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, chia sẻ:

“Việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc, thực chất là một cuộc vận động để chuyển đổi tư duy phát triển, cơ cấu cây trồng. Nhưng làm thế nào để khuyến khích, hỗ trợ người dân thay đổi tư duy? Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chính là “chìa khóa” tháo gỡ điểm nghẽn”.

Kinh nghiệm của HĐND tỉnh đã được rút ra là ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Sơn La tổ chức họp, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách do HĐND các khóa trước ban hành, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh cho cả nhiệm kỳ, đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện và khả năng cân đối nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành trong giai đoạn.

Mô hình nhãn ghép tại huyện Sông Mã mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Để có những nghị quyết đúng và trúng, nhất là lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng chí Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh:

“Muốn nghị quyết chất lượng, nhất thiết phải phát huy tính dân chủ và tổ chức tốt công tác phản biện trong tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết; lấy ý kiến đảng viên, nhân dân, các tổ chức quần chúng, chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan để dự thảo nghị quyết sát tình hình thực tiễn. Trên cơ sở đó, người đứng đầu cấp ủy chỉ đạo tiến hành điều tra, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học để thấy rõ những nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm, có phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ một cách rõ ràng; dự kiến các nhiệm vụ đột xuất và những vấn đề do thực tiễn đặt ra, nhằm xây dựng hệ thống các giải pháp để tổ chức thực hiện và lãnh đạo cụ thể, hiệu quả, tạo sự thống nhất cao khi ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết”.

Một trong những yếu tố để ban hành nghị quyết đúng và trúng là việc bám sát các nghị quyết ngay từ khi xây dựng dự thảo, giúp các ban của HĐND tỉnh có điều kiện nghiên cứu, phân tích kỹ các số liệu nên đã tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng thẩm tra, báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh.

Hà Thị Ngọc Yến, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho biết:

“Ngay từ khi xây dựng dự thảo nghị quyết, các Ban của HĐND tỉnh đã tập trung nghiên cứu, phân tích kỹ các số liệu, nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng thẩm tra, báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh. Qua đó, thể hiện rõ được quan điểm, không chỉ mang tính “phản biện” mà còn có tính “xây dựng”, tính “thuyết phục” cao; khẳng định rõ nội dung đồng tình hay không đồng tình, những vấn đề chưa thống nhất, còn có ý kiến “trái chiều” với cơ quan soạn thảo, những căn cứ, lý lẽ vì sao chưa thống nhất và đề xuất giải pháp, phương án điều chỉnh cụ thể là cơ sở để chủ tọa kỳ họp định hướng thảo luận; các đại biểu nắm được những vấn đề cần tập trung thảo luận, cân nhắc kỹ trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết”.

Thực tế cho thấy, các nghị quyết có tính khả thi và được triển khai thực hiện rất hiệu quả, như: Chính sách hỗ trợ phát triển HTX trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017- 2020; mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021; hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tiếp đến, năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết  quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025...

Ông Trần Như Kiên, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, một trong 63 nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021, chia sẻ:

“Gia đình tôi có 7 ha nhãn chín muộn và hơn 1 ha xoài tượng da xanh, mỗi năm thu trên 1 tỷ đồng. Năm 2016, tôi cùng với 10 hộ dân trong bản thành lập HTX Phương Nam, đến nay, HTX có trên 100 ha cây ăn quả, doanh thu trên 15 tỷ đồng/năm... Việc tỉnh ta ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã giúp gia đình tôi và các thành viên HTX ổn định và phát triển sản xuất. Trong đó, phải kể đến chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021; hỗ trợ phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La…”. 

Từ chủ trương phát triển cây ăn quả, thống nhất về cơ chế, chính sách, gắn quy hoạch với tổ chức lại sản xuất, khai thác lợi thế từng vùng, tạo bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở Sơn La, mở ra quá trình chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo nên “Hiện tượng nông nghiệp Sơn La” để chuỗi những nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La tiếp tục “nở hoa” trong thực tiễn.      

(Còn nữa)

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới