Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La về tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú rất đúng - trúng - hợp lòng dân, song khâu quan trọng không kém để tạo nên hiệu quả chính sách là đảm bảo quá trình tổ chức triển khai thực hiện thành công. Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, do vậy, chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đúng định mức hỗ trợ.
Bà Mai Thu Hương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nguyên thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh (Trưởng ban từ 2016 đến 2020), cho biết: Qua giám sát ngay năm đầu triển khai, chúng tôi thấy có bất cập về cấp gạo và quản lý gạo được cấp. Do cơ sở vật chất nhiều nơi không đảm bảo, nên khó bảo quản số gạo được cấp về, để lâu dẫn tới giảm chất lượng, có nơi bị mốc, hỏng. HĐND tỉnh đã kiến nghị với các cấp, các ngành, các địa phương bố trí nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất để bảo quản gạo. Đồng thời, đề nghị đơn vị cung cấp gạo không cấp hết một lần như trước đây mà cấp thành nhiều đợt, để quản lý tốt.
Mặt khác, do học sinh ở tập trung tại trường, các giáo viên thêm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc học sinh, thiếu nhân viên, vật tư y tế học đường. Căn cứ thực tế, ngày 16/7/2014, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 81/2014/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 61/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh, cơ bản khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và mở rộng thêm đối tượng học sinh thụ hưởng.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết, HĐND tỉnh vẫn thường xuyên đánh giá cả mặt được và hạn chế của chính sách, tiếp tục lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri để điều chỉnh phù hợp. Ngày 15/3/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 41/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường phổ thông công lập có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh, mở rộng hỗ trợ kinh phí cho công chức, viên chức và người lao động được giao thêm nhiệm vụ quản lý học sinh, rõ hơn về quy định chính sách hỗ trợ, tăng định mức hỗ trợ.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những trẻ mầm non chưa được hỗ trợ nấu ăn bán trú. Mặc dù, trẻ mầm non không phải đi xa như học sinh cấp trên, không ở bán trú, song thực tế cũng gặp nhiều khó khăn khi đến trường học tập. Sơn La thời điểm đó có tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra trường, lớp mầm non thấp nhất toàn quốc, chỉ chiếm 25,2%; trong đó, trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh ra lớp mới đạt 16%. Điều kiện gia đình ở vùng cao rất khó khăn, trẻ mầm non đến lớp học mang theo cặp lồng cơm do bố mẹ chuẩn bị để ăn trưa tại trường. Ngoài cơm thì hầu hết là canh suông, mỳ tôm, muối trắng. Tình trạng phổ biến ở hầu hết lớp học mầm non các vùng khó khăn, các em phải ăn thức ăn nguội trong thời tiết giá rét, không đảm bảo sức khỏe.
Đáp ứng thêm niềm mong mỏi của nhân dân, ngày 19/7/2018, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường mầm non công lập thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết ra đời là động lực quan trọng để tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn ra trường mầm non học tập, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trẻ mầm non, phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục mầm non bền vững. Đảm bảo sự công bằng thực hiện chính sách giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, tạo bình đẳng học sinh giữa các vùng miền của tỉnh.
Đánh giá thực tiễn thực hiện Nghị quyết nhận thấy vẫn còn những tồn tại, đơn cử như sau thời gian sử dụng, các đồ dùng nhà bếp theo nguồn kinh phí hỗ trợ một lần dần hao mòn, hư hỏng; việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trường học cũng đặt ra vấn đề. Ngày 3/9/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 140/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường mầm non và trường phổ thông công lập có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh. Đây là Nghị quyết toàn diện hơn về phạm vi điều chỉnh: Quy định chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú; viên chức và người lao động được giao thêm nhiệm vụ quản lý học sinh ở bán trú; đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; mua sắm dụng cụ nhà bếp, đồ dùng phục vụ nấu ăn, đồ dùng tổ chức bữa ăn tập thể cho trường mầm non và trường phổ thông công lập có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh. Bổ sung nội dung, định mức hỗ trợ, như: hàng năm, nhà trường được hỗ trợ kinh phí mua bổ sung dụng cụ nhà bếp, đồ dùng phục vụ nấu ăn do hao mòn theo thực tế; khuyến khích các trường phổ thông có học sinh ăn bán trú hợp đồng với các đơn vị cung ứng cung cấp dịch vụ suất ăn cho học sinh để đảm bảo hơn về an toàn thực phẩm.
Bà Quàng Thị Xuyến, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, đánh giá: Công tác nấu ăn tập trung tại các trường mầm non và phổ thông công lập có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh là một chủ trương lớn của tỉnh, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cả hệ thống chính trị. Qua 5 lần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cho thấy công tác xây dựng chính sách rất linh hoạt, nhạy bén trước những thay đổi của thực tiễn, giải quyết hài hòa giữa nhu cầu và nguồn lực thực hiện, càng chứng minh rõ tính thiết thực đối với con em đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh.
Mỗi năm học, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hàng chục nghìn học sinh được thụ hưởng chính sách. Chỉ riêng năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 224 cơ sở giáo dục có bếp ăn nội trú, bán trú với trên 63.100 học sinh, đa số là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Đến trường, đi học bán trú là niềm vui, những bữa cơm ở trường đủ đầy thịt, cá, thậm chí ngon hơn cơm ở nhà nên rất ít học sinh bỏ học. Tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm hơn 60% so với khi chưa tổ chức nấu ăn tập trung bán trú; cơ bản khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú, La Ha.
Trở lại Trường tiểu học và THCS Háng Đồng, nơi cách đây 10 năm, tỉnh Sơn La thực hiện thí điểm việc nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú. Hôm nay, những khu lều trọ xiêu vẹo không còn nữa, thay vào đó là dãy nhà bán trú, nhà bếp khang trang với đầy đủ đồ dùng, thiết bị phục vụ nấu ăn cho học sinh.
Thầy giáo Trần Việt Cường, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Trường có 787 học sinh, trong đó gần 70% là học sinh bán trú, hầu hết các em là con em người dân tộc có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Căn cứ các khoản hỗ trợ, nhà trường đã tính toán kỹ lưỡng, hợp lý, nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong 3 bữa ăn hàng ngày cho học sinh.
Đến Kim Bon là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, có 2 dân tộc Mông và Dao cùng sinh sống. Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Kim Bon có 1.464 học sinh, thì có 704 học sinh ở bán trú. Đầu các năm học, nhà trường tiến hành tu sửa cơ sở vật chất, chỗ ăn, chỗ ở của học sinh. Hiện nay, nhà trường có 17 phòng ở dành cho học sinh bán trú. Em Giàng A Phư, lớp 5A4 nói: Nhà em cách trường gần 10 km. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa, em ở với ông bà. Đến trường, chúng em được các thầy cô luôn tận tâm dạy học, chăm lo từ bữa ăn giấc ngủ, như những người cha, người mẹ thứ 2 của chúng em.
Còn ông Vàng A Thông, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh bán trú Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Kim Bon, phấn khởi nói: Phụ huynh học sinh chủ yếu làm nông nghiệp, suốt ngày trên nương, dưới ruộng lo cho cuộc sống gia đình nên ít có thời gian quan tâm đến việc học của con, cháu. Bởi vậy, khi có chủ trương nấu ăn cho học sinh bán trú chúng tôi đồng tình rất cao; đóng góp công sức, tiền của cùng nhà trường làm nhà ăn, nhà bếp cho các cháu. Bây giờ, các cháu đến trường được lo ăn ở, học hành nên phụ huynh chúng tôi yên tâm lắm.
Sau 10 năm triển khai thực hiện tổ chức nấu ăn tập trung bán trú tại các trường phổ thông và gần 3 năm triển khai thực hiện tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh mẫu giáo tại các trường mầm non thuộc xã vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục. Được ăn, ở bán trú, giúp học sinh quen với nếp sống có tổ chức, có ý thức kỷ luật trách nhiệm với tập thể, lối sống lành mạnh. Ngoài giờ học trên lớp, học sinh biết sắp xếp thời gian học tập, lao động hợp lý. Học sinh được tham gia vào các hoạt động tập thể văn nghệ, thể dục, thể thao… Nền nếp dạy và học ngày càng được củng cố và ổn định. Khoảng cách giáo dục giữa các vùng ở tỉnh Sơn La dần được thu hẹp.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đánh giá: Nghị quyết đi vào thực tiễn đã giúp cho hàng trăm nghìn trẻ, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn có điều kiện sinh hoạt thuận lợi để học tập ổn định, có chất lượng theo đúng lời Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn: “... đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Đây còn là giải pháp quan trọng để góp phần nâng cao kết quả thực hiện phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Tháng 5/2015 tỉnh Sơn La đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (là tỉnh thứ 27 trong toàn quốc đạt chuẩn). Đến năm 2022, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 2 (là tỉnh thứ 12/63 tỉnh, thành phố và tỉnh thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2). Đồng thời, tỉnh Sơn La là tỉnh thứ 45/63 tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 - là mức cao nhất.
Chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường ngày càng được nâng lên, đến nay tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng hơn 17%, học sinh yếu kém giảm gần 20% so với năm học 2015 - 2016. Năm 2022, toàn tỉnh có 364/597 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 60,9%), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh đạt 99,6%; điểm trung bình các môn thi so với các tỉnh/thành phố trong toàn quốc tăng 10 bậc so với năm 2021, nằm trong tốp 10 tỉnh có điểm thi khối B cao nhất cả nước, 16 tỉnh có trên 100 điểm 10 và không nằm trong danh sách 10 tỉnh có chênh lệch giữa điểm trung bình thi và điểm trung bình học bạ của học sinh cao nhất toàn quốc; có 1.772 học sinh đoạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh bậc THCS, THPT; 15 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia; đạt 1 giải Tư tại cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia; 1 giải triển vọng tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; 1 học sinh đoạt giải Ba chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Nhờ chính sách tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú đã giúp nhiều em hiện thực ước mơ đi học các trường cao đẳng, đại học, nâng cao kiến thức để xây dựng quê hương. Em Hờ A Tuấn, bản Suối Lềnh, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, kể: Suối Lềnh là một trong những bản xa xôi nhất huyện Bắc Yên. 10 năm trước em cũng như bao trẻ vùng cao, phải mang gạo, muối vượt hơn 10 km đường rừng núi trường ở bán trú học chữ. Nhờ chính sách bán trú, giúp em và các bạn vơi bớt khó khăn, bước qua chặng đường học phổ thông, hiện nay đã tốt nghiệp Cao đẳng nghề Sơn La, chuyên ngành điện, có cơ hội tìm việc làm.
Nấu ăn cho học sinh bán trú, nghị quyết hợp ý Đảng - lòng dân đã đi vào cuộc sống và đang phát huy hiệu quả, giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt cho học sinh bán trú, đồng thời thể hiện tầm nhìn cho thế hệ tương lai. Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, chính sách sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Sơn La, tạo động lực cho xã hội phát triển. Hiệu quả các nghị quyết về tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú còn là bài học giá trị về lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng chính sách từ hoạch định đến tổ chức triển khai thực hiện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!