Cơ chế, chính sách - chìa khóa đưa nông nghiệp Sơn La bứt phá ● Kỳ 2:  Chuỗi chính sách "nở hoa" trong thực tiễn

Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh là việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020. Mục tiêu là tạo đột phá thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, giống cũ, năng suất thấp sang sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao.

Nghị quyết “phá băng” điểm nghẽn

Đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, chia sẻ: Thời gian đó, bàn về chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nội dung trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, đã phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu. Sau khi thảo luận kỹ, Ban Thường vụ quyết định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã ứng dụng thì có mức độ và cấp độ phát triển theo lộ trình. Nếu quy chuẩn cao quá ngay từ đầu, nông dân không theo được. Tại thời điểm đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số hộ gia đình đã có mô hình ghép mắt cải tạo vườn cây ăn quả và Sơn La chọn đây là một thành tựu khoa học kỹ thuật đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm HTX dịch vụ nông nghiệp bản Nà Hạ, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn tháng 5/2022

Đồng chí Hoàng Văn Chất, giải thích rõ thêm: Theo Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình ghép mắt cải tạo vườn tạp 200.000 đồng, bình quân mỗi hộ chỉ được hỗ trợ ghép khoảng 16 mắt cải tạo xoài, nhãn bằng giống mới. Quan trọng là, thông qua ghép cải tạo cây ăn quả, hàng nghìn nông dân được chuyển giao kỹ thuật và ghép mắt thuần thục như những kỹ sư nông nghiệp. Bằng cách làm này, trong 2 năm (2017-2018), toàn tỉnh ghép cải tạo trên 13.000 ha cây ăn quả các loại; chuyển đổi hàng chục nghìn cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả... Một con số khiến nhiều chính khách, nhà khoa học và các chuyên gia nông nghiệp cả nước phải ngạc nhiên.

Giờ đây, đến xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn - vựa cây ăn quả của tỉnh ngắm nhìn những vườn xoài, nhãn, bưởi phủ xanh các triền đồi trông thật đẹp mắt. Chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Văn Phòng, người được mệnh danh là ông “vua” nhãn ghép trên cao nguyên Nà Sản. Ngôi nhà sàn khang trang dưới những hàng nhãn xum xuê. Dáng người cao gầy, nước da nâu sạm, mái tóc điểm bạc, ông Phòng nhớ lại: Thời điểm những năm 2015-2018, mô hình nhãn của gia đình được rất nhiều đoàn khách trong, ngoài tỉnh và nước bạn Lào tới tham quan. Tôi cũng đã đồng hành, hỗ trợ hàng nghìn lượt hộ dân trong tỉnh và tỉnh Điện Biên ghép cải tạo vườn nhãn.

Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La năm 2021.

So sánh hiệu quả kinh tế vườn nhãn ghép, ông Phòng, nói: Trước khi ghép cải tạo, giống nhãn địa phương chỉ bán giá vài nghìn đồng/kg, sau khi ghép cải tạo bằng giống nhãn miền thiết cho năng suất và giá bán cao gấp nhiều lần. Khi đó, 1 ha nhãn ghép từ năm thứ 2 cho sản lượng 20 - 25 tấn, giá bán 25.000 đồng/kg, thu nhập 300 triệu đồng/ha, con số trong mơ đối với nông dân Sơn La khi đó. Mấy năm gần đây, mặc dù người trồng nhãn, xoài bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, khiến giá cả thăng, trầm nhưng người trồng cây ăn quả vẫn thu nhập tốt. Hiện nay, gia đình tôi có 20 ha nhãn, sản lượng dự kiến đạt khoảng 350 tấn quả.

Mô hình trồng xoài GL4 của hộ ông Nguyễn Đắc Đông, thành viên HTX Ngọc Lan ở bản Nà Cang, xã Hát Lót nức tiếng trong tỉnh. Vườn xoài hơn chục năm tuổi, chăm sóc theo quy trình VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế vô cơ xanh tốt. Vừa thực hiện bao trái cho xoài, ông Đông vừa nói: “Cũng như hầu hết các hộ trong bản, khởi đầu gia đình lựa chọn trồng ngô, sắn phát triển kinh tế. Bỏ bao công chăm sóc và đầu tư, nhưng thu nhập chỉ được gần 20 triệu đồng/ha/năm, gia đình vẫn thuộc diện nghèo của bản. Năm 2015, được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, gia đình đã chuyển đổi gần 3 ha đất trồng ngô sang trồng xoài GL4. Niên vụ 2018, thu hơn 40 tấn xoài, bán với giá trung bình 12.000 đồng/kg, mang lại số tiền lớn như trong mơ, với hơn 400 triệu đồng”.

Từ huyện Mai Sơn theo quốc lộ 4G chúng tôi vào đất nhãn huyện Sông Mã. Dọc hai bên dòng sông Mã từ xã Chiềng Khương đến xã Nà Nghịu là màu xanh bạt ngàn của cây ăn quả. Theo thống kê, toàn huyện có trên 34.000 hộ dân ở các xã, thị trấn trồng nhãn, với diện tích trên 7.500 ha, chiếm trên 83% tổng diện tích cây ăn quả của huyện.

Cũng như nhiều gia đình khác, anh Lường Văn Âm, Phó Giám đốc HTX Hoa Mười, xã Chiềng Khoong đã chuyển đổi 5 ha đất trồng ngô sang trồng nhãn, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Anh Âm, chia sẻ: “Năm 2017, được huyện cho đi tham quan mô hình nhãn ghép trên địa bàn huyện và tại huyện Mai Sơn. Sau đó, gia đình đã bàn và chuyển đổi đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả. Khi đó, được hỗ trợ 200 nghìn đồng tiền ghép cải tạo giống nhãn địa phương bằng giống nhãn Miền Thiết. Chỉ sau một năm ghép, vườn nhãn bắt đầu cho thu hoạch. Thấy hiệu quả kinh tế đem lại, 8 hộ dân trong bản cùng góp vốn, đất sản xuất thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười trồng nhãn an toàn theo quy trình VietGAP. Hiện nay, HTX tăng lên 14 thành viên, sản xuất 30 ha nhãn, năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha, sản lượng đạt trên 330 tấn, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm”.

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại

Sau khi hỗ trợ ghép mắt, cải tạo vườn tạp, HĐND tỉnh Sơn La tiếp tục ban hành các nghị quyết quan trọng khác: Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021; Nghị quyết số 80/NQ-HĐND về đề án phát triển cây ăn quả đến năm 2020; Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Giai đoạn này, tỉnh tập trung khuyến khích hỗ trợ ứng dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Tuần lễ xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại siêu thị BigC - Thăng Long (Hà Nội) năm 2022.

Các chính sách được ban hành phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tiễn, góp phần tạo lên những bứt phá cho nông nghiệp Sơn La. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt trên 84.700 ha, tăng trên 60.000 ha so với năm 2015, sản lượng quả năm 2023 ước đạt trên 450.000 tấn. Nhiều hộ nông dân ở các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Mường La, Sông Mã… thu nhập từ vài trăm thậm chí trên 1 tỷ đồng/năm từ trồng cây ăn quả.

Ông Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, thông tin: Từ năm 2015 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 14 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 8 nghị quyết mấu chốt được ban hành đã tạo bước đột phá cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh Sơn La. Các cơ chế, chính sách được ban hành và tổ chức thực hiện đưa nông nghiệp tỉnh Sơn La đạt nhiều thành tựu vượt bậc, trở thành điểm sáng nông nghiệp của cả nước.

Sản phẩm nhãn và nông sản an toàn Sơn La được bày bán tại Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc).

Khép lại nhiệm kỳ 2015-2020, trong lĩnh vực nông nghiệp, có việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đóng góp thành công này, HĐND tỉnh đã phát huy vai trò giám sát, rà soát sửa đổi, bổ sung ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách để hỗ trợ. Tuy nhiên, mở cánh cửa cho nông nghiệp phát triển bền vững, nâng tầm giá trị, nhiệm vụ đặt ra cho HĐND tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi ban hành thêm cơ chế, chính sách, tạo đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp Sơn La trong giai đoạn mới.

Thu hái cam tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

         (Còn nữa)

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới