Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Nậm Giôn

Cách trung tâm huyện Mường La hơn 70 km, đi từ thị trấn Ít Ong qua các xã Hua Trai, Chiềng Lao, thủy điện Huội Quảng, chúng tôi đến trung tâm xã Nậm Giôn. Trở lại Nậm Giôn lần này, được tận mắt chứng kiến những đổi thay của xã vùng 3 đặc biệt khó khăn. Bà con đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại bản Pá Mồng, xã Nậm Giôn (Mường La).

 

Đặc biệt, với việc tận dụng lợi thế mặt nước rộng, nước trong và tương đối ổn định của lòng hồ thủy điện Sơn La, một số hộ trong xã đã đầu tư làm mô hình nuôi cá lồng, trước mắt cung cấp hàng hóa tại địa phương, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Nậm Giôn.

Nậm Giôn có 17 bản, trên 700 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó, có 7 điểm tái định cư thủy điện Sơn La. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số La Ha, Kháng và Mông. Những năm qua, được hưởng các chế độ, chính sách vùng đặc biệt khó khăn từ các chương trình 30a, 134, 135 và nguồn vốn di dân tái định cư thủy điện Sơn La, xã được quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình đường giao thông, điện lưới quốc gia và công trình nước sạch vệ sinh môi trường... Để từng bước giúp bà con có thu nhập ổn định, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khuyến khích bà con lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, tận dụng lợi thế diện tích mặt nước rộng, xã cử cán bộ khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện để các hộ có nhu cầu đầu tư nuôi cá lồng. Từ đó, làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, một số hộ đã dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lạc hậu, đầu tư giống vật nuôi, làm lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong đó phải kể tới hộ anh Quàng Văn Hồng, bản Pá Pù là một trong những hộ tiên phong đi đầu làm mô hình cá lồng. Năm 2016, với vốn khởi nghiệp 20 triệu đồng, anh Hồng làm được 4 lồng cá và mua 2.000 con cá trắm giống để nuôi thử nghiệm, đến nay gia đình đã được thu lứa đầu tiên. Anh Hồng, cho biết: Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở khu vực trung lưu hồ thủy điện Sơn La nên nước trong, mực nước ổn định, nguồn thức ăn phong phú, đa dạng, cá lớn nhanh, sinh trưởng tốt và ít dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 75%. Sau 8 tháng, vụ đầu tiên gia đình thu 1,5 tấn cá trắm, chủ yếu bán lẻ tại địa phương, với giá trung bình từ 60.000-80.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi trên 50 triệu đồng. So với trồng ngô, sắn, nuôi cá lồng mất ít sức lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, gia đình sử dụng tiền lãi và nguồn vốn tự có tiếp tục đầu tư thêm 22 lồng cá, nâng tổng số lồng lên 26 lồng.

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn xã phát triển mạnh về cả số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn xã có trên 10 hộ nuôi cá lồng, với tổng số gần 100 lồng, bà con chủ yếu nuôi các loại cá địa phương như: Trắm, chép, rô phi đơn tính, nheo. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu xuất bán phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, thị trường nhỏ lẻ. Thời gian tới, khi mở rộng số lượng lồng cá, sản lượng xuất bán ra thị trường lớn, rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ tìm đầu ra và có những giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.

Tận dụng lợi thế và nhu cầu thực tế tại địa phương, mô hình nuôi cá lồng ở Nậm Giôn được mở rộng trong vài năm trở lại đây bước đầu cho thấy những hiệu quả về kinh tế, nâng cao thu nhập của bà con, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần giảm nghèo ở xã đặc biệt khó khăn.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới