Ngày 16/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đề xuất bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 22 điểm cầu của các tỉnh, thành phố.
.jpg)
Dự tại điểm cầu tỉnh Sơn La có các đồng chí: Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Từ tháng 12/2024 đến tháng 7/2025, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, Quốc hội cho phép Chính phủ được ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền. Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Nghị định số 136/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Nghị định số 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã ban hành 18 thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung này.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định “tạm thời” chỉ được thực hiện trong thời gian nhất định. Trong 2 năm tới, khối lượng văn bản cần ban hành đúng thẩm quyền để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp bộ máy là rất lớn, riêng lĩnh vực nông nghiệp và môi trường có tới 17 luật cần điều chỉnh. Do đó, việc xây dựng dự án luật là cần thiết nhằm hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy, phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.
Đề xuất bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 16 luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (trừ Luật Đất đai sẽ có dự án riêng), tập trung vào 3 nhóm nội dung chính: Kiện toàn tổ chức bộ máy; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến nông nghiệp và môi trường. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2025, Quốc hội khóa XV. Việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy sẽ góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho phát triển ngành nông nghiệp, môi trường, từ đó huy động hiệu quả nguồn lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!