Với trên 1.600 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt hơn 20.000 tấn/năm, xã Chiềng Mung là một trong những địa phương có sản lượng cây ăn quả lớn của tỉnh. Thời điểm này, nông dân trong xã đang tập trung chăm sóc nhãn, thanh long, đảm bảo năng suất, chất lượng mùa vụ.
Theo chân lãnh đạo xã Chiềng Mung, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Quang Trung, thôn 7, đúng lúc gia đình đang thu hoạch thanh long. Trong sân nhà, thương lái đến tận nơi thu mua, đóng hàng chuyển về chợ đầu mối.
Anh Màu Tiến Cường, thương lái ở xã Mai Sơn, cho biết: Tôi đang thu mua thanh long với giá 14-15 nghìn đồng/kg để bán tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng. Ưu điểm của quả thanh long Chiềng Mung có vị ngọt đậm, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, theo mùa, tôi còn thu mua nhãn, xoài, mận của nông dân trong xã, đem bán cho khách hàng các tỉnh miền Bắc.

Dẫn chúng tôi ra vườn nhãn, thanh long sai trĩu quả, ông Nguyễn Quang Trung, thôn 7, chia sẻ: Năm 2015, thấy mô hình trồng nhãn hiệu quả ở Chiềng Khoong, Chiềng Khương và mô hình trồng thanh long ở xã Nà Bó cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã mua giống về trồng, học kỹ thuật ghép cải tạo và lắp hệ thống tưới tự động để giảm công sức. Hiện nay, với 2 ha trồng nhãn, thanh long, mỗi năm, tôi thu gần 40 tấn quả, lãi hơn 200 triệu đồng.
Tới thôn Hoàng Văn Thụ, dọc hai bên đường là những vườn thanh long, nhãn trĩu quả, được lắp đặt hệ thống tưới ẩm thuận lợi cho chăm sóc, thu hoạch. Ông Hà Xuân Tứ, Bí thư Chi bộ thôn, cho biết: Thôn có 201 hộ, gần 800 nhân khẩu. Hằng năm, Ban quản lý thôn vận động nhân dân tận dụng đất đai, chuyển đổi sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững. Hiện nay, toàn thôn trồng gần 84,6 ha cây ăn quả: Nhãn, xoài, na, thanh long. Nhờ đó, thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người/năm; không còn hộ nghèo; an ninh trật tự giữ vững. Năm 2023, thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Hữu Tài, thôn Hoàng Văn Thụ, cho biết: Từ năm 2020, gia đình tôi cải tạo đất trồng 2 ha cà phê trồng xen cây nhãn; trồng gần 1 ha thanh long. Mô hình kinh tế này đã đem lại thu nhập cho gia đình tôi hơn 220 triệu đồng/năm.
.jpg)
Xã Chiềng Mung được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Chiềng Mung, Mường Bằng và Mường Bon, với diện tích 142 km², dân số 27.797 người. Xã có vị trí giao thông thuận lợi với hơn 10 km quốc lộ 6 đi qua, cùng quốc lộ 4G và hệ thống đường đạt chuẩn nông thôn mới. Địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, du lịch, thương mại và thu hút đầu tư.
Ông Trần Xuân Hiệp, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung, cho biết: Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để thay đổi tư duy, phương thức sản xuất cho bà con. Đồng thời, vận dụng chính sách hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp, HTX và người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP; xây dựng thương hiệu, hướng tới sản xuất bền vững, giá trị kinh tế cao.

Cùng với đó, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hái và bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, bảo vệ môi trường.
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và tinh thần chủ động của người dân, toàn xã có trên 1.600 ha cây ăn quả, tập trung tại thôn Hoàng Văn Thụ, thôn 7 và các bản: Nong Xôm, Mạt, Mai Tiên, Thống Nhất, Nà Sang. Chủ lực là các loại: na, bưởi, nhãn, thanh long, chuối… với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Nhờ đó, giá trị sản phẩm đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Việc đưa cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, nông dân xã Chiềng Mung đang hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương và đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!