Trên địa bàn tỉnh có 76 thủy điện nhỏ được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 907 MW. Các thủy điện nhỏ đã có những đóng góp tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, phát triển thủy điện nhỏ cũng làm ảnh hưởng đến môi trường, xã hội và bộc lộ một số tồn tại hạn chế.
Bổ sung nguồn năng lượng, tăng nguồn thu
Với độ cao trung bình từ 600 đến 700 mét so với mặt nước biển, có 2 con sông là sông Đà và sông Mã với các phụ lưu là các con suối với mạng lưới khá dày đặc, kết hợp với điều kiện địa hình đồi núi dốc, tỉnh ta được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển các nhà máy thủy điện. Qua nghiên cứu, khảo sát, ngoài 76 thủy điện nhỏ với tổng công suất hơn 907 MW đã được quy hoạch, tỉnh ta còn tiềm năng để phát triển thêm các thủy điện nhỏ, với công suất gần 300 MW.
Hằng năm, sản lượng điện của 57 nhà máy thủy điện nhỏ đã hoàn thành trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 2 tỷ KWh. Riêng năm 2022, tổng công suất đạt 2 tỷ 326 triệu KWh, đóng góp 462,7 tỷ đồng cho ngân sách. Bên cạnh đó, mỗi năm các thủy điện nhỏ nộp quỹ dịch vụ môi trường rừng khoảng 65 tỷ đồng; đồng thời, tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động địa phương, với thu nhập ổn định trên 85 triệu đồng/người/năm.
Bắc Yên là một trong những địa phương có tiềm năng lớn phát triển thủy điện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 công trình thủy điện nhỏ, tổng công suất 220,5 MW; trong đó, 12 công trình đã đưa vào vận hành, với tổng công suất 170,9 MW, mỗi năm cung cấp vào lưới điện quốc gia hơn 500 triệu KWh; 1 dự án đang trong giai đoạn thi công, với công suất 49,6 MW. Ngoài ra, còn 5 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh, tổng công suất 50,5 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thủy điện nhỏ đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Các công trình thủy điện nhỏ cơ bản chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng và vận hành theo quy định. Hằng năm, các chủ đầu tư thủy điện đã bố trí kinh phí trồng rừng thay thế theo quy định và tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Thủy điện Nậm Chim 1, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, của Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Sông Lam, có công suất 16 MW với 2 tổ máy, đi vào hoạt động từ năm 2010. Ông Vũ Hữu Đức, Giám đốc cụm Nhà máy thủy điện Nậm Chim, cho biết: Sản lượng điện trung bình hằng năm của Nhà máy đạt 62 triệu KWh, nộp ngân sách địa phương 16 tỷ đồng. Trong quá trình vận hành, nhà máy thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu cho vùng hạ du.
Những khó khăn, bất cập
Việc triển khai xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như: Việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở một số dự án thủy điện chưa đầy đủ tác động ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, chưa đánh giá đúng về tốc độ bồi lắng lòng hồ, chưa cụ thể các giải pháp khắc phục... dẫn đến có những phát sinh, bất cập, khi đi vào vận hành mới phát hiện được, khó khắc phục, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hiệu quả dự án. Một số chủ đầu tư chưa nghiêm túc chấp hành nghĩa vụ, còn chậm nộp phí dịch vụ môi trường rừng, như Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha - Chủ đầu tư thủy điện Nậm Hóa 2 và Công ty cổ phần thủy điện Pá Chiến - Chủ đầu tư thủy điện Pá Chiến và Mường Hung... Một số chủ đầu tư chưa nghiêm túc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để khắc phục những tồn tại, vi phạm đã được các cơ quan có thẩm quyền, các đoàn kiểm tra chỉ ra, như Nhà máy thủy điện Nậm Bú. Một số chủ đầu tư tự ý xây dựng thêm van lật trên mặt đập để tích nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Một số lòng hồ thủy điện bồi lắng không còn đủ dung tích để điều tiết nước phát điện nên chủ đầu tư tự ý cơi nới đập, như: Nậm Công 4, Nậm Sọi, Pá Chiến... gây nguy cơ mất an toàn đập. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, đặc biệt là không duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập làm khô cạn dòng suối, như: Cụm thủy điện trên suối Nậm Công, To Buông, cụm Suối Lừm, suối Sập 2... Bên cạnh đó, chất lượng rừng trồng thay thế của các chủ đầu tư thủy điện nhỏ còn hạn chế.
Trước thực trạng những tồn tại, vi phạm của một số thủy điện nhỏ, các cơ quan quản lý Nhà nước đã kiểm tra, xử lý vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nghiêm việc duy trì dòng chảy tối thiểu, đảm bảo an toàn đập. Đến nay, cơ bản các chủ đầu tư đã chấp hành nghiêm, một số chủ đầu tư đang tập trung xử lý các tồn tại. Riêng các dự án đang đề xuất đầu tư hoặc đang chuẩn bị đầu tư, qua rà soát, không chiếm dụng vào đất có rừng tự nhiên.
Siết chặt quản lý, hạn chế tác động tiêu cực
Phát triển thủy điện nhỏ an toàn, hiệu quả, bền vững, gắn với quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong vùng dự án là mục tiêu mà tỉnh ta hướng đến.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở đã và đang triển khai 6 nhóm giải pháp chính. Trong đó, tập trung quán triệt triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương, của tỉnh về quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện nhỏ. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong việc tham mưu quản lý, phát triển thủy điện nhỏ. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ liên quan đến quản lý thủy điện nhỏ; nâng cao chất lượng quản lý thủy điện nhỏ trong công tác lập, thẩm định, đề xuất bổ sung quy hoạch; thẩm định thiết kế, quy trình vận hành hồ chứa, các phương án ứng phó thiên tai theo quy định của Nghị định của Chính phủ. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành thủy điện nhỏ cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thủy điện; chỉ quy hoạch phát triển có chọn lọc các thủy điện nhỏ trên 10MW, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, không làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, diện tích rừng tự nhiên, quốc phòng, an ninh, đời sống nhân dân vùng dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện. Đôn đốc, nhắc nhở, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh, cũng như kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Qua nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh, chia sẻ: Cần xây dựng mô hình tổ chức liên kết giữa chủ rừng, doanh nghiệp thủy điện với sự hỗ trợ điều tiết của các cơ quan quản lý Nhà nước để tăng cường công tác quản lý và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ; xây dựng mô hình liên kết ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) trong quản lý hồ đập thủy điện nhỏ và quản lý rừng đầu nguồn; xây dựng mô hình trồng rừng thay thế và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ bằng việc trồng cây quế nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân vùng cao.
Với những biện pháp quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, cùng sự chấp hành các quy định trong đầu tư, vận hành thủy điện của chủ đầu tư, bảo đảm phát huy hiệu quả, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống người dân, khai thác tốt nguồn tài nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!