Đi theo tỉnh lộ 116, chúng tôi đến xã đặc biệt khó khăn Mường Khiêng, huyện Thuận Châu. Sau nhiều năm trở lại, không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay rõ nét. Những con đường gập ghềnh, lầy lội nay đã được thay thế bằng mặt đường nhựa phẳng lỳ, rộng rãi. Nông dân đang tất bật thu hoạch sắn, những chuyến xe ra vào tận chân đồi để thu mua sắn, tạo nên không khí nhộn nhịp của vùng đất này.

Đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm
Ngược dòng thời gian, từ năm 2005 đến năm 2009, thực hiện chủ trương di dân tái định cư xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, xã Mường Khiêng đón 200 hộ dân của huyện Mường La và Quỳnh Nhai đến 5 điểm tái định cư bản: Huổi Pản, Phắng Cướn, Bó Phúc, Huổi Phay và Sinh Lẹp. Ông Quàng Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: 20 năm sinh sống trên quê hương thứ hai, nhân dân các bản tái định cư và các hộ dân sở tại luôn đoàn kết, gắn bó giúp nhau sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ông Quàng Văn Hỏa cùng cán bộ địa chính, nông nghiệp xã đưa chúng tôi đến bản Huổi Pản, cách trung tâm xã gần 30 cây số để tham quan mô hình nuôi cá lồng. Vừa đi ông Hỏa vừa nói: Triển khai mô hình, mỗi hộ nuôi được hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng cá theo Nghị quyết số 88 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích HTX đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Xã cũng đã phối hợp với các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Do vậy, nông dân biết cách nuôi cá đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng.
Câu chuyện tạm dừng, khi lòng hồ sông Đà hiện ra trước mắt, mùa này nước trong vắt. Vừa đến bờ sông, anh Lù Văn Đoàn, thành viên Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Huổi Pản đã chờ sẵn trên chiếc thuyền máy đưa chúng tôi ra thăm lồng cá của gia đình. Anh Đoàn khoe: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của HĐND tỉnh, chúng tôi đầu tư làm lồng cá, trung bình mỗi lồng có diện tích hơn 20 m² bằng khung thép chắc chắn. Các thành viên HTX thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ bệnh cho cá. Ngoài ra, còn đánh bắt các loại cá tạp tự nhiên trên sông Đà làm thức ăn nuôi cá lồng.

Giống như gia đình anh Đoàn, các thành viên Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Huổi Pản đều nhờ nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên trên dòng sông Đà để có thêm thu nhập và nguồn thức ăn cho cá lồng. Ngoài ra, bà con còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho cá, nên cá cho chất lượng thịt chắc, thơm, ngon.
Chủ tịch xã nói thêm: Đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cá lồng của nhân dân, tháng 5/2016, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Huổi Pản được thành lập. Hiện nay, HTX có 12 thành viên, nuôi 44 lồng cá trắm, rô phi, chép, lăng vàng, nheo. Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường gần 30 tấn cá các loại, thu trên 1 tỷ đồng.
Rời lòng hồ, chúng tôi về bản Bon, thăm các mô hình trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ông Quàng Văn Vóng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Hiện nay, bản có 135 ha cây nhãn, xoài, sản lượng hơn 200 tấn/năm; canh tác 55 ha sắn, sản lượng 550 tấn/năm; khoanh nuôi, bảo vệ 65 ha rừng. Giúp bà con tiêu thụ các sản phẩm, Ban quản lý bản tuyên truyền, vận động nhân dân liên kết thành lập HTX Trồng cây ăn quả trên đất dốc bản Bon.
Về thăm các bản, vui mừng khi nhân dân đã thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong phát triển kinh tế. Sau khi được cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động, các bản vùng thấp, đã chuyển đổi diện tích trồng cây ngô năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả và phát triển kinh doanh, dịch vụ; các bản vùng cao, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc; các bản dọc sông Đà, tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá lồng.
Lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp cho từng vùng, đã giúp nhân dân 23 bản trong xã có đời sống ấm no. Hiện nay, toàn xã đang thâm canh 180 ha lúa hai vụ, gần 1.000 ha sắn cao sản; chăm sóc hơn 380 ha cây ăn quả. Bà con còn nuôi trên 49.000 con gia cầm, trồng 150 ha cỏ voi làm thức ăn cho trên 12.000 con gia súc; duy trì 62 lồng cá trên lòng hồ thủy điện; khoanh nuôi, bảo vệ trên 1.100 ha rừng... Cả xã có 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp liên kết các hộ dân phát triển sản xuất, chăn nuôi bền vững.
Huy động nguồn lực giúp dân
Đồng hành cùng nhân dân trong công cuộc xóa đói nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Mường Khiêng đã tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án của Nhà nước, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Từ năm 2023 đến nay, xã được đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa các bản: Phé Hằng, Pục Tứn, Sào Và, Bản Khiêng, Sát, Lứa Hang, Nhốc Thông, tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng; duy tu công trình chợ Mường Khiêng, công trình nước sinh hoạt bản Hin Lẹp; công trình thủy lợi bản Khiêng; duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến đường đi bản Huổi Pản, tuyến đường nối bản Lứa Hang - bản Lạn, tuyến đường đi khu sản xuất bản Thuận Ơn...
Hiện xã đang thực hiện các bước mở thầu, giải ngân, bàn giao 462 con bò cái sinh sản của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc 1719 và giảm nghèo bền vững cho các đối tượng thụ hưởng trong quý II/2025; xây dựng dự kiến kế hoạch vốn đầu tư sửa chữa đường giao thông tại các bản Pồng, Tộn Pợ...
Thăm tuyến đường đi khu sản xuất bản Thuận Ơn có chiều dài hơn 1,1 km, tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 470 triệu đồng vừa được bàn giao, đưa vào sử dụng đầu năm 2025. Ông Lò Văn Đôi, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Thuận Ơn, chia sẻ: Nhân dân vui mừng khi tuyến đường nối vào tận khu sản xuất được xây dựng, giúp bà con đi lại thuận lợi, hàng hóa nông sản được tư thương đánh ô tô về thu mua với giá cao, không còn bị ép giá như trước nữa.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp ủy, chính quyền xã Mường Khiêng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện, rà soát nhu cầu, hỗ trợ thủ tục vay và giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 975 hộ được vay vốn phát triển sản xuất, tổng dư nợ hơn 54 tỷ đồng. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 400 người đi lao động ngoài tỉnh, thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Là xã đặc biệt khó khăn, song nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước, cùng sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, kinh tế - xã hội của xã Mường Khiêng có bước chuyển tích cực. Đến nay xã Mường Khiêng đã đạt các tiêu chí: Thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh. Năm 2025, xã phấn đấu đạt thêm tiêu chí về y tế và giao thông. 98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 97,6% số hộ được xem truyền hình; 100% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,5%.

Chứng kiến những đổi thay trên vùng đất một thời gian khó, càng trân trọng thành quả mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực vươn lên. Mường Khiêng hôm nay đang tranh thủ nguồn đầu tư của nhà nước và phát huy nội lực trong dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của quê hương, làm cho đời sống nhân dân và diện mạo nông thôn khởi sắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!