Mai Sơn xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số

Thực hiện kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước; bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong giao dịch và theo dõi, giám sát.

Kỳ họp chuyên đề lần thứ 3 HĐND huyện Mai Sơn khóa XXI, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức trực tuyến đến các xã, thị trấn.

 

Năm 2022, huyện Mai Sơn đã ban hành các kế hoạch về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng, kế hoạch chuyển đổi giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Để bảo đảm tiến độ thực hiện, huyện đã chỉ đạo lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược về ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước; xây dựng chuyên mục Chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử huyện, tuyên truyền kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại. Duy trì vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đảm bảo đồng bộ, an toàn thông tin và khả năng chia sẻ dữ liệu.

Hiện, hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương đã cơ bản được đầu tư đồng bộ; 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có cáp quang đến trung tâm xã để cung cấp dịch vụ Internet băng rộng, truyền hình số; 100% các phòng, ban của huyện và 60% UBND cấp xã có hệ thống mạng LAN giúp việc triển khai các mô hình “Phòng họp không giấy”, mô hình phòng họp thông minh (họp zoom), kết hợp hội nghị trực tuyến dễ dàng, thuận lợi. Đến nay, 100% xã, thị trấn có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã. 3 tháng đầu năm, toàn huyện đã tổ chức 7 cuộc họp bằng hệ thống thông tin, phục vụ họp “Phòng họp không giấy”; 8 cuộc họp zoom và Google meet; 21 cuộc họp trực tuyến đến các xã, thị trấn trong huyện. 

Ông Hoàng Văn Than, Chủ tịch UBND xã Chiềng Dong, cho biết: Hệ thống đường truyền trực tuyến được đưa vào sử dụng tại xã rất hiệu quả, thành phần tham dự cuộc họp được mở rộng, nhờ đó cán bộ, công chức, viên chức tại xã có thể tiếp thu trực tiếp ý kiến chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và huyện. Đặc biệt, hình thức tổ chức họp trực tuyến rất phù hợp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế việc đi lại.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT iOffice 4.0; triển khai hệ thống phần mềm một cửa điện tử, thực hiện quy trình tạo lập, xử lý và chia sẻ dữ liệu dưới dạng điện tử trên môi trường mạng; tỷ lệ văn bản trao đổi hồ sơ công việc cấp huyện đạt trên 80% và 30% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã; hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai mở rộng, đã cấp tài khoản thư công vụ cho 100% cán bộ, công chức, viên chức và 100% cán bộ lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện; 68% số cán bộ lãnh đạo, UBND cấp xã, thị trấn đã được cấp, sử dụng chữ ký số và chứng thư số cá nhân; tỷ lệ văn bản chỉ đạo điều hành của UBND huyện có sử dụng chữ ký số trao đổi với các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đạt 100%.

Hưởng lợi từ chính quyền điện tử, tổ chức, cá nhân và người dân được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, công khai các thủ tục hành chính, quy trì tiếp nhận, trả kết quả hành chính qua bộ phận một cửa điện tử. 3 tháng đầu năm, bộ phận một cửa huyện Mai Sơn đã giải quyết 1.567 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn và đang giải quyết 148 hồ sơ chưa đến hạn. Bà Nguyễn Thị Vân, thị trấn Hát Lót, chia sẻ: Với việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của huyện đã giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại, theo dõi quy trình giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến công khai, minh bạch.

Việc triển khai thực hiện chính quyền điện tử bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan Nhà nước. Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Mai Sơn đang triển khai kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến hết năm 2025, sẽ cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện thực hiện trực tuyến mức độ 4; cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã được tạo lập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu hoàn toàn dưới dạng điện tử trên môi trường mạng. Qua đó, góp phần đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện và chất lượng phục vụ người dân.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới