Chuyển đổi số là một nội dung quan trọng gắn liền với 12 đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hành động để chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU Ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định số 747-QĐ/TU ngày 15/3/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và đô thị thông minh thành phố Sơn La, gọi tắt là Ban Chỉ đạo 747, do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo 747 lãnh đạo, đôn đốc UBND Thành phố, các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh. Tập trung chuyển đổi số trên địa bàn với các nội dung chủ yếu về: Hạ tầng số; chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh; phát triển kinh tế số; xã hội số…
Xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, đến nay, hệ thống phần mềm quản lý văn bản của Thành phố triển khai đồng bộ đến 100% các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường; tỷ lệ văn bản gửi qua mạng giữa các các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường đạt trên 90%, trừ những văn bản mật hoặc tuyệt mật; 100% cán bộ, công chức thành phố được cấp hòm thư công vụ.
Ứng dụng một cửa điện tử triển khai đồng bộ đến tất cả các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường tích hợp kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, tiếp nhận hơn 4.000 hồ sơ; giải quyết 3.744 hồ sơ.
Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Cổng thông tin điện tử của thành phố và các xã, phường hoạt động cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, trung bình hơn 800 lượt truy/ngày đạt trung bình 800 lượt. Hệ thống hội nghị truyền hình, có 13 điểm lắp đặt tại UBND thành phố và UBND các xã, phường; 100% các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường và 46 đơn vị trường học đã được cấp và sử dụng chữ ký số chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Chị Lường Thu Hương, tổ 15, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, nói: Đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, tôi được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo các trình tự thủ tục cần thực hiện. Các thủ tục được giải quyết nhanh, gọn, rất thuận lợi cho người dân. Tôi rất hài lòng.
Sự hài lòng của người dân, tổ chức doanh nghiệp là thước đo của hiệu quả chất lượng cải cách thủ tục hành chính, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể CCHC, tập trung đơn giản TTHC, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân.
Lấy con người làm trung tâm
Phát triển chính quyền số, xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh vì con người và luôn lấy con người làm trung tâm là mục tiêu cho việc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.
Xây dựng đô thị thông minh, Thành phố đã thành lập Trung tâm điều hành thông minh với 8 nội dung về giám sát trên không gian mạng; phản ánh kiến nghị người dân "Sơn La Smart"; hỏi đáp phục vụ người dân (callbot); giám sát, điều hành và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; giáo dục thông minh; du lịch thông minh; sàn thương mại điện tử…
Sau hơn 2 năm đưa vào hoạt động, Trung tâm đem lại hiệu quả nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và chính quyền Thành phố trực tiếp giải quyết một số vấn đề phát sinh, bất cập trong đời sống xã hội. Tạo sự đổi mới cách thức quản lý, điều hành cùa chính quyền, gần dân hơn.
Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Tiêu biểu, với hệ thống phần mềm phản ánh kiến nghị “Sơn La Smart”. App Đô thị thông minh “Sơn La Smart” đưa vào sử dụng có tính năng chủ yếu là phản ánh hiện trường. Khi có vấn đề bất cập cần phản ánh với cơ quan chức năng, người dân chỉ việc nêu trực tiếp vấn đề cần phản ảnh trên ứng dụng, không cần phải đến “gõ cửa” cơ quan chức năng hay gửi đơn... Thông tin phản ánh sẽ được Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC tiếp nhận, phân phối tự động đến các phòng, ban chức năng hoặc các địa phương để giải quyết.
Ví dụ người dân tổ 12, phường Chiềng Lề đã gửi phản ánh lên “Sơn La Smart” với nội dung: Ngõ 308, đường Chu Văn Thịnh, có chiều rộng 9m, thường xuyên bị người dân lấn chiếm làm bãi đỗ xe mất 4m, khu vực đường có vạch giảm tốc, cũng bị đỗ xe, vạch liền chia làn, do bị lấn chiếm, gây khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Ngay sau khi nhận được ý kiến của nhân dân, UBND phường Chiềng Lề đã chỉ đạo Công an phường phối hợp Ban điều hành tổ 12, xuống kiểm tra, nhắc nhở, giải quyết kioj thời.
Chị Nguyễn Thu Thủy, ngõ 308, tổ 12, phường Chiềng Lề, nói: Nhân dân trong ngõ đã chụp ảnh, gửi phản ánh lên “Sơn La Smart”. Ngay sau khi nhận được ý kiến của nhân dân, các cơ quan chức năng đã xử lý triệt để. Đoạn đường giờ thông thoáng, nhân dân hài lòng khi ý kiến phản ánh được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
Điểm nhấn cần phải kể đến việc chuyển đổi số của Thành phố đạt được trong lĩnh vực giáo dục. Đến nay, hoàn thành tích hợp 46 điểm trường lên hệ thống bản đồ số, thí điểm 4 trường: THCS Nguyễn Trãi, THCS Lê Quý Đôn, tiểu học Kim Đồng, mầm non Tô Hiệu thực hiện số hóa sử dụng công nghệ 3D, đưa một số thông tin tiêu biểu, tích hợp camera an ninh, chỉ đường đi, đã tích hợp hệ thống Giáo dục tự động lên IOC.
Hướng tới “Thành phố số”
Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.
Các doanh nghiệp trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động quản lý, kinh doanh; sử dụng các phần mềm Kế toán, kê khai và nộp thuế qua mạng; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt; phát triển các ứng dụng giao hàng điện tử như VN Post, Viettel Post phục vụ cho đặt hàng và nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. Đồng thời, đưa 23 sản phẩm nông sản chủ lực lên sàn thương mại điện tử Voso.vn. 12/12 xã, phường, 145 tổ/ bản đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng, 52 tổ chuyển đổi số các nhà trường; 2 tổ chuyển đổi số chợ (chợ Trung tâm và chợ 7/11).
Mở rộng thông tin, quảng bá du lịch, điểm đến Sơn La, Thành phố hoàn thiện số hóa công nghệ 3D với 6 địa điểm du lịch tiêu biểu, gồm: Quảng trường Tây Bắc, Nhà tù Sơn La, Chùa Hưng Quốc, Nông thôn kiểu mẫu xã Chiềng Cọ; Suối nước nóng bản Mòng; Đền vua Lê Thái Tông. Triển khai hệ thống thuyết minh tự động tại 2 điểm Nhà tù Sơn La và Quảng Trường Tây Bắc. Xây dựng hoàn thiện nội dung đưa lên hệ thống thuyết minh tự động tại 2 điểm Nhà tù Sơn La và Quảng Trường Tây Bắc.
Với những giải pháp cụ thể, cách làm sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Thành phố từng bước xây dựng bộ máy chính quyền kiến tạo, hành động, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, tạo môi trường thuận lợi để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trung tâm của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!