Quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn

Năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách, vui chơi, giải trí, du lịch trở lại bình thường, kéo theo đó là việc chủ các phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe có dấu hiệu gia tăng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tập trung xử lý kiên quyết, rốt ráo vi phạm về nồng độ cồn, góp phần bảo đảm an toàn cho nhân dân du Xuân.

Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khá cao. Đối với người điều khiển xe mô-tô lên tới 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng. Mức cao nhất đối với ô-tô là 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Tuy nhiên, tình trạng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn xảy ra nhiều. Một số người dù biết rõ tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, biết rõ chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quá nồng độ cồn khi lái xe nhưng vẫn cố tình vi phạm vì cho rằng vẫn làm chủ được tay lái.

Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khá cao. Đối với người điều khiển xe mô-tô lên tới 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng. Mức cao nhất đối với ô-tô là 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: “Tâm lý chung của người vi phạm thông thường đều không muốn nhận lỗi hoặc tìm mọi cách giảm nhẹ lỗi.

Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn còn khó khăn nhiều lần do lái xe không tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi, lời nói. Việc không hợp tác, thậm chí chống đối xảy ra thường xuyên. Có những trường hợp xử lý cả tiếng đồng hồ, ảnh hưởng tới công tác chung. Dù như vậy chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý, lập biên bản, tạm giữ phương tiện, không để chủ phương tiện tiếp tục điều khiển lái xe trên đường”.

Năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 300.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm khoảng 11% tổng số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện, xử lý. Đáng chú ý, số lượng trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (mức tối đa trên 0,4 mg/1 lít khí thở theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ) chiếm khoảng 30% số trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, xử lý.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông được Bộ Công an xác định là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tai nạn, tiềm ẩn hành vi gây mất trật tự công cộng, đánh nhau, gây thương tích, thậm chí xảy ra án mạng.

Từ ngày 15/11/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu Xuân 2023. Với phương châm: Làm xuyên Tết, khép kín địa bàn, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ với tinh thần phục vụ nhân dân, bảo vệ an toàn cho người dân, lấy sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông là mục tiêu hàng đầu.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho các tỉnh ủy, thành ủy ban hành quy định cụ thể về việc cấm cán bộ, đảng viên có hành vi sử dụng rượu, bia không đúng quy định. Lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình thực thi có thêm nhiệm vụ xác nhận nhân thân của người vi phạm, nếu là cán bộ công chức, đảng viên sẽ có thông tin về cho đơn vị chủ quản, cho tổ chức cơ sở đảng để xem xét xử lý. Việc lập lại trật tự, xây dựng văn hóa giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe” cần phải có sự vào cuộc đồng bộ mới tạo được sự chuyển biến.

Từ sự quyết tâm, quyết liệt của lực lượng Cảnh sát giao thông, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Báo cáo từ Cục Cảnh sát giao thông cho thấy: Chỉ trong bảy ngày Tết vừa qua, đã xử lý 7.726 trường hợp, chiếm 35,1% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số xử phạt tăng 6.620 trường hợp, tăng 598%. Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Hải Phòng có 616 trường hợp, Hà Nội có 558 trường hợp, Thành phố Hồ Chí Minh có 483 trường hợp, Quảng Nam là 480 trường hợp...

Báo cáo từ Cục Cảnh sát giao thông cho thấy: Chỉ trong bảy ngày Tết vừa qua, đã xử lý 7.726 trường hợp, chiếm 35,1% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số xử phạt tăng 6.620 trường hợp, tăng 598%.

Tại cuộc giao ban trực tuyến lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc, bàn giải pháp, biện pháp, phương pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023 do Bộ Công an tổ chức ngày 27/1, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định: Tết năm nay là Tết an toàn. Tai nạn giao thông trong bảy ngày Tết giảm sâu trên cả ba tiêu chí (giảm 31,84% số vụ, 36,43% số người chết, 47,64% số người bị thương) so với Tết năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Điều đáng mừng là không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Cũng tại giao ban đầu xuân, lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo tập trung bảo đảm an toàn cho người dân đi du Xuân trong mùa lễ hội 2023 cũng như xuyên suốt trong năm 2023 với mục tiêu trọng tâm là kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển, tham gia giao thông.

Thứ trưởng Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long yêu cầu toàn lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với mục tiêu “lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông”, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông và kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông; tập trung xử lý triệt để, quyết liệt, xuyên suốt vi phạm về nồng độ cồn, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong nhân dân “đã uống rượu, bia thì không lái xe” ■

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới