Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Nơi gắn kết những yêu thương

Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La, hai tiếng "gia đình" không định nghĩa bằng huyết thống mà được gắn kết từ yêu thương và sự nhân văn.

Giọng nữ

“Ngay lúc mới nhận công tác và tới Trung tâm, tôi đã rất bất ngờ khi được các bạn nhỏ đồng loạt chào: Con chào mẹ”, là chia sẻ của chị Phạm Thị Nhung, cán bộ phòng Chăm sóc quản lý tại Cơ sở 1 của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La. Mới gắn bó với trung tâm được hai tháng, tiếng chào của các em nhỏ tại khoảnh khắc gặp mặt đầu tiên đã mang lại cho chị ấn tượng thật đặc biệt.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La hướng dẫn các em tự học trong dịp hè.  

Theo quan niệm của nhiều người, gia đình là sợi dây vô hình kết nối những người cùng chung dòng máu. Nhưng ở Trung tâm này, tôi đã thấy sợi dây đó được dệt nên không từ huyết thống, mà từ những yêu thương, quan tâm, chia sẻ mỗi ngày của các thành viên. Các “mẹ” tuy không là những người mang nặng đẻ đau, nhưng là người nâng các em từng bữa ăn, giấc ngủ, các “bố” là những người dạy dỗ các em bằng cả tấm lòng và “anh chị em” là những người bạn đồng cảnh ngộ, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. 

Bà Hoàng Bích Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chia sẻ: Trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng, trong đó có 95 trẻ em. Chúng tôi luôn nỗ lực để Trung tâm thực sự là một đại gia đình, mái ấm dành cho các con. Cán bộ, nhân viên trong Trung tâm luôn cố gắng để bù đắp được nhiều nhất những thiệt thòi của các con. Các con cũng rất tình cảm, luôn gần gũi, chia sẻ mọi điều với các bố, mẹ.

Không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc, các cán bộ, nhân viên nơi đây còn quan tâm trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Anh Phùng Đức Anh, phòng Y tế và Nuôi dưỡng, cho biết: Ở Trung tâm, tôi không chỉ là người bố, mà còn là người thầy đối với các con. Thời gian nghỉ hè, tôi còn hướng dẫn các con nấu ăn để các con học có kỹ năng sống và chủ động tham gia công việc chung một cách có trách nhiệm.

Anh Phùng Đức Anh cùng các em nhỏ tại Trung tâm.

Trong một môi trường với những đứa trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau, không thể tránh khỏi những lúc va chạm, bất đồng. Lúc đó, các mẹ luôn là những người hòa giải hoặc có biện pháp giáo dục, chấn chỉnh kịp thời. Chi Phạm Thị Nhung chia sẻ: Các con ở đây vốn ngoan, hiền lành nhưng cũng không tránh khỏi cãi vã. Mỗi con một cá tính, quan trọng là mình phải linh hoạt trong cách quản lý và dạy bảo, vừa mềm mỏng vừa nghiêm khắc để các con hiểu và cùng vun đắp ngôi nhà chung của mình.

Các bạn trong Trung tâm phụ đỡ "bố mẹ" chăm sóc các em nhỏ. 

Tình cảm gia đình được thể hiện rõ nhất qua cách các con tương tác, sống với nhau như anh em ruột thịt. Tại Trung tâm, có những em nhỏ kém may mắn, suốt cuộc đời phải gắn với chiếc xe lăn, nhưng các em không hề đơn độc, bởi chính những người bạn xung quanh đã trở thành đôi tay để vỗ về, đôi chân để các em bước đi trong cuộc sống. Hình ảnh em Đậu Thảo Nguyên cần mẫn đút từng thìa cháo cho người bạn bị bại liệt khiến tôi cảm nhận trọn vẹn hai từ “đùm bọc” ở mái ấm này. Khi được hỏi việc chăm sóc bạn có gặp khó khăn gì không, cô bé chỉ cười bẽn lẽn: “Em giúp các em nhỏ hơn lâu nên cũng đã quen rồi ạ. Ngoài em ra, nhiều anh chị khác cũng giúp chăm sóc các em nhỏ ở Trung tâm như chị em trong gia đình”.

Các em nhỏ của Trung tâm trong giờ chơi.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe, an toàn cho các em, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Quân y 106 tổ chức khám sức khỏe định kỳ lần thứ nhất; thực hiện phun khử khuẩn 6 lượt toàn Trung tâm tại 2 cơ sở. Tổ chức 14 buổi tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh và thực hiện 2 buổi tuyên truyền cho các em về kỹ năng sống “Phòng, chống đuối nước”.

Vừa là bố mẹ, vừa là người thầy, các cán bộ nhân viên trong Trung tâm rất quan tâm tới việc học của các con, tạo điều kiện tốt nhất để các con đến trường "không thua bạn, kém bè". Trong thời gian nghỉ hè, các bạn nhỏ vẫn thường xuyên duy trì các buổi tự học, đọc tại phòng học, với sự giúp đỡ của các bố mẹ. Anh Phùng Đức Anh thông tin thêm: Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở các con phải chăm chỉ học hành, có kiến thức để sau này tự tin bước vào cuộc sống. Ngoài việc dạy bảo của bố mẹ, các bạn lớn sẽ phụ đỡ chăm sóc, bảo ban những bạn nhỏ hơn.

Không phụ lòng các "bố mẹ", trong năm học 2024-2025, tỷ lệ lên lớp của các em đạt 97,6%; các em tham gia vào kỳ thi chọn học sinh giỏi năm học 2024-2025 đạt thành tích tốt, gồm 1 giải khuyến khích cấp thành phố; 1 giải nhất và 1 giải nhì cấp Trường; 100% các em đạt hạnh kiểm khá, tốt. Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các trường học, cơ sở dạy nghề theo dõi nắm bắt tình hình học tập để tư vấn lựa chọn định hướng phù hợp. Kết quả, có 8 em tham gia dự thi vào lớp 10 và 5 em đăng ký học nghề.

Tình cảm gia đình ở Trung tâm hiện hữu trong từng hành động, từng cử chỉ mà các thành viên dành cho nhau. Tình cảm ấy đã đưa những mảnh đời chưa trọn vẹn kết nối lại thành một đại gia đình, chắp cánh cho những ước mơ của các em nhỏ kém may mắn về một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.

Hương Trà (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới