LTS: Thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, về nội dung này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên: Xin ông cho biết mục tiêu khái quát của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ và việc cụ thể hóa trên địa bàn tỉnh ta?
Ông Nguyễn Tuấn Anh: Mục tiêu trước hết là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền. Đồng thời, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó giảm khoảng 40% số trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.
Trên cơ sở điều kiện thực tế, tỉnh ta đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp. Truyền thông nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
Phóng viên: Là cơ quan chuyên môn, ngành đã có những tham mưu gì với tỉnh để triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2239/QĐ-TTg, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Anh: Ngành đã tham mưu xây dựng, thực hiện lồng ghép trong các kế hoạch: “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”; triển khai thực hiện chương trình “Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh” đến năm 2025; “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2027”...
Bên cạnh đó, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh, thực hiện Quyết định số 864/QĐ-LĐTBXH ngày 5/7/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập Trường trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Sơn La, Trường trung cấp Luật Tây Bắc vào Trường cao đẳng Sơn La. Với mục đích xây dựng Trường cao đẳng Sơn La đến năm 2025 trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào.
Phóng viên: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg, theo ông, trong thời gian tới cần thực hiện những nhiệm vụ cơ bản nào?
Ông Nguyễn Tuấn Anh: Sau khi sáp nhập các trường nêu trên, tỉnh có 3 trường cao đẳng tham gia đào tạo nghề thuộc các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; nông, lâm nghiệp; nội vụ; công tác xã hội; văn hóa; du lịch; nghệ thuật; xây dựng; cơ khí; ôtô; điện dân dụng... Đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%; tỷ lệ lao động đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ là 26%. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động. Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo sự chuyển biến về việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhất là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, lao động bị mất việc làm...
Thực hiện đào tạo lý thuyết tại trường, đào tạo thực hành tại doanh nghiệp; đảm bảo người lao động sau khi đào tạo đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động. Phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo hướng hình thành các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai. Phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu của doanh nghiệp, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!