Thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo triển khai nhiệm vụ của chiến lược với kế hoạch, đề án các ngành, lĩnh vực của địa phương. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư các lĩnh vực và công nghệ ưu tiên, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Chiến lược chuyển đổi số
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 31/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về việc chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh ta đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh và thành lập 6 tổ công tác về các lĩnh vực chuyển đổi số trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
Các sở, ban, ngành của tỉnh đã tham mưu ban hành các chính sách, hỗ trợ đẩy mạnh chiến lược của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số năm 2024; quyết định ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số năm 2024-2025. Chỉ đạo các sở, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tình hình mới theo xu thế hội nhập, phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai, giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện hiệu quả; tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; các mô hình, sáng kiến của các cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển giao và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp.
Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế số. Đồng thời, thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột, là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; kiện toàn tổ chức, bộ máy, đơn vị chuyên trách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ quản lý, vận hành, giám sát các hệ thống quản lý, thông tin, cơ sở dữ liệu tập trung của tỉnh. Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng nội dung số; đồng hành và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng.
Hạ tầng kết nối, hạ tầng viễn thông được chú trọng đầu tư tới vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai mạng di động 4G đến tất cả các huyện, xã trong tỉnh. Đến nay, 100% số xã đã có mạng thông tin băng rộng cố định (cáp quang) và được phổ cập mạng thông tin băng rộng di động (4G); tỷ lệ bản được phủ sóng 4G đạt 98,5%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,15%; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 46,32%; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 47,82%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 96,37%.
Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Đến nay, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, báo cáo, kiểm tra, giám sát của chính quyền các cấp đã được thực hiện trên môi trường số. 100% hội nghị được tổ chức trực tuyến có ứng dụng phần mềm phòng họp không giấy, trên 96% văn bản hành chính được ký số và ban hành hoàn toàn dưới dạng điện tử. Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Sơn La cung cấp đầy đủ số liệu, dữ liệu các lĩnh vực quản lý của 38 sở, ban, ngành, các ban đảng, đoàn thể để phục vụ công tác quản lý, điều hành và giám sát. Triển khai đề án bệnh viện thông minh, thí điểm mô hình phòng học thông minh, thành phố thông minh, du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 2610/QĐ-UBND ngày 9/10/2017 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh giai đoạn 2017-2025”, trong đó nhấn mạnh sự hợp tác “3 nhà” (nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp), thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong doanh nghiệp trẻ và thanh niên trong tỉnh và tạo lập được nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững, từng bước phát triển ở cấp độ 2 (hệ sinh thái cơ bản).
Đồng thời, tỉnh đã xây dựng thể chế cho các công nghệ mới, mô hình, thực tiễn kinh doanh mới; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tạo tài sản trí tuệ sát với thực tiễn, đảm bảo sự phát triển cả về lượng và chất của khoa học và công nghệ nói chung, phát triển công nghệ số, kinh tế số nói riêng.
Hiện nay, tỉnh ta đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Trường Đại học Tây Bắc. Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: Từ năm 2018 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 7 diễn đàn, hội nghị cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn. Phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức 3 cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp” trong thanh niên; nhiều ý tưởng đã tham gia cấp quốc gia.
Trang bị kỹ năng trong kinh doanh trên các nền tảng số; kết nối doanh nhân trẻ, thanh niên trẻ có dự án khởi nghiệp tiêu biểu tham gia tọa đàm, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đoàn viên, thanh niên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các sản phẩm của các HTX, công ty khởi nghiệp thành công đã tiếp cận được nhiều thị trường khác nhau, nhiều sản phẩm hướng đến xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao, góp phần khẳng định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những động lực, “chìa khóa” thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong khối giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, tập trung đào tạo các ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, du lịch, dịch vụ gắn với nông, lâm nghiệp, các ngành công nghệ đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế về thị trường lao động. Qua đó, tạo sự gắn kết bền vững đáp ứng thị trường lao động và phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,47%, tăng 6,47% so với năm 2020, tương ứng có 453.954 lao động qua đào tạo của lực lượng lao động làm việc trong các ngành kinh tế.
Thích ứng với những thay đổi của công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh cần có nhận thức đúng về bản chất, các cơ hội và thách thức, để có cách tiếp cận phù hợp. Trên cơ sở các công nghệ 4.0 đã được xác định và định hướng ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển để xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào thực tiễn hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!