Phát huy vai trò của văn nghệ sĩ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vai trò của văn nghệ sĩ. Người nói: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”.

Giọng nữ
Hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh trao đổi kinh nghiệm sáng tác ảnh.

Khắc ghi lời Bác dặn, đội ngũ văn nghệ sĩ Sơn La luôn trung thành, kiên định, đoàn kết, hăng say lao động sáng tạo văn học, nghệ thuật; góp phần giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và đời sống văn học, văn nghệ của đồng bào các dân tộc và nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh không ngừng phát triển và mở rộng, là nơi hội tụ đội ngũ các văn nghệ sĩ của Sơn La. Hiện nay, hội có hơn 270 hội viên, sinh hoạt tại 13 chi hội trực thuộc ở nhiều lĩnh vực, như: Văn học, lý luận phê bình, nhiếp ảnh, mỹ thuật, thơ tiếng dân tộc và sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, nghệ thuật biểu diễn... Đội ngũ văn nghệ sĩ luôn mang trong mình tâm huyết sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật hay, đặc sắc với những thông điệp đầy tính nhân văn, truyền cảm hứng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Họa sĩ Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Thường trực hội luôn chú trọng làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho toàn thể hội viên; đặc biệt là việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chống xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội gắn với đẩy mạnh cuộc “đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật”.

Các văn nghệ sĩ và nhân dân tham quan triển lãm ảnh tại Lễ hội cà phê Sơn La.

Bám sát nhiệm vụ được giao phó, hội tích cực định hướng cho hội viên sáng tạo tác phẩm VHNT đúng, trúng, hay phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu thưởng thức VHNT của nhân dân. Với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, thông qua các tác phẩm VHNT đã phản ánh sinh động mọi mặt của đời sống xã hội; đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống; tuyên truyền kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Hội tổ chức hiệu quả các hoạt động sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, báo chí, đặc biệt là đề tài “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Từ đầu năm đến nay, hội tổ chức 5 trại sáng tác tổng hợp các các chuyên ngành văn học nghệ thuật, với hơn 300 tác phẩm của các hội viên ở các chuyên ngành. Ngoài việc mở các trại sáng tác trong tỉnh, hội còn tổ chức cho các văn nghệ sĩ đi thực tế ở nhiều tỉnh, vùng miền trong nước để học tập, trao đổi kinh nghiệm sáng tác.

Với tinh thần lao động say mê đầy sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sỹ các dân tộc đã đem đến cho công chúng những tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng, đặc sắc của Sơn La, vừa mang tính thời sự, vừa ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu xa. Những tác phẩm VHNT ấy đã góp phần đắc lực vào việc giữ gìn, phổ biến các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của các dân tộc Sơn La; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về con người, vùng đất Sơn La giàu truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Hội viên Chi hội Mỹ thuật, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tham gia sáng tác tại bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Chị Lương Mỹ Hạnh, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh được biết đến là tay bút sắc sảo với những bài thơ nhẹ nhàng, sâu lắng khắc họa sinh động vùng đất, văn hóa, con người Sơn La. Mới đây truyện ngắn “Chiều rơi trên sông” viết về những chiến sĩ cảnh sát quả cảm, sẵn sàng hi sinh trong cuộc chiến với ma túy tại vùng Tây Bắc của chị đã đoạt giải A tại Cuộc vận động sáng tác Cuộc thi viết và trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” năm 2024.

Chị Hạnh chia sẻ: Cuộc sống đương đại đang đòi hỏi văn nghệ sĩ phải có bản lĩnh vững vàng, người nghệ sĩ cần phải bám sát cuộc sống, bám sát thực tiễn đổi mới của đất nước, kết hợp hài hòa tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ, ý thức cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của dân tộc để sáng tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, góp phần đắc lực vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phát huy sứ mệnh vẻ vang của “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tiếp tục “truyền lửa” cho các văn nghệ sĩ, ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của văn học - nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy ngòi bút sắc sảo, bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật có sức thuyết phục, có sức hấp dẫn cao góp phần tích cực và hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đó cũng là cách làm cho văn học, nghệ thuật ngày càng ăn sâu, bám rễ vào đời sống và trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới