Quỳnh Nhai vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có cây đàn tính tẩu của đồng bào Thái trắng đang được các nghệ nhân gìn giữ và phát huy.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất sông nước Quỳnh Nhai, Nghệ nhân ưu tú Điêu Chính Lả, xóm 5, xã Mường Giàng, có nhiều năm gắn bó với cây đàn tính tẩu. Với mong muốn cây đàn tính tẩu được lưu truyền đến nhiều đời sau, ông Lả luôn dành nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu và chế tác. Bình quân mỗi năm, ông sản xuất từ 30 - 50 cây đàn; truyền dạy cho hơn 100 học viên, là các con, cháu và những người có niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc. Cùng với đó, ông còn nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương, là thành viên tích cực tham gia nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng trong và ngoài tỉnh với vai trò đệm đàn tính tẩu cho các bài khắp, hát then...
Ông Lả chia sẻ: Để thực hiện hoàn chỉnh một cây đàn tính tẩu phải trải qua những công đoạn chế tác các bộ phận chính, như làm thân đàn, cau đàn, bầu đàn, dây đàn... rồi tạo hoa văn trang trí cho cây đàn thêm tinh tế, đẹp mắt. Vật liệu chính để chế tác đàn tính tẩu gồm thân cây hoa sữa, quả bầu tròn, dây cước... Đầu tiên người thợ chế tác bào cây gỗ sữa đã được phơi thật khô để tạo thân đàn, mỗi thân đàn có độ dài từ 60 - 70 cm, được mài nhẵn và quét một lớp sơn bóng tăng độ thẩm mỹ cho thân đàn. Bầu đàn được làm từ vỏ quả bầu to và tròn nhất được phơi khô, cắt bỏ 1/3 đầu và mài mỏng phía trong để làm bầu đàn, như vậy sẽ góp phần tạo nên những âm thanh trong trẻo và vang cho tiếng đàn. Tiếp đến, bằng đôi bàn tay khéo léo, cau đàn được vót từ những những miếng tre già nhằm giữ và điều chỉnh độ căng của dây đàn. Cũng như vậy, đầu đàn được tạo hình qua việc mài, gọt hoàn toàn bằng thủ công.
Đối với Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm, bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, dù đã ngoài 60, nhưng những ngón đàn vẫn luôn điêu luyện chạy trên từng cung đàn tính tẩu. Đối với ông, những giai điệu đàn tính tẩu, những câu hát then là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Từ năm 2017 đến nay, ông đã tham gia hướng dẫn cho hơn 120 người tại các câu lạc bộ, các lớp truyền dạy văn hóa dân tộc do huyện tổ chức. Nhiều người được ông truyền dạy, giờ đây đã có thể tự chơi thành thạo loại nhạc cụ độc đáo này.
Ông Chiêm chia sẻ: Đàn tính tẩu luôn gắn liền với điệu hát then, bởi vậy, cùng với việc truyền dạy cách chơi đàn tính tẩu, tôi còn tự nghiên cứu, sưu tầm các điệu hát then cổ và những giai điệu mới để truyền dạy cho các thế hệ sau. Hiện nay, tôi có thể chơi trên 50 bài then cổ, thể hiện được nhiều giai điệu mới, phụ họa cho các ca khúc hát về quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa... Tôi mong rằng, trong thời gian tới, huyện sẽ tạo điều kiện để mở thêm nhiều lớp truyền dạy, để lưu giữ bảo tồn những giá trị quý báu mà ông cha ta đã truyền lại, để những giá trị đó không bị mai một và mãi trường tồn cùng thời gian.
Được biết, ông Chiêm thường xuyên được mời tham gia biểu diễn đàn tính và đệm đàn cho nhiều nghệ nhân hát then trong các ngày lễ lớn, hội thi, hội diễn văn nghệ ở huyện và tỉnh; ông còn được tỉnh cử đi dự các liên hoan, hội thi hát then, đàn tính ở tỉnh và toàn quốc, đạt được nhiều thành tích, giải thưởng.
Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai đã có 1 “Nghệ nhân nhân dân” và 8 “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 cá nhân liên quan đến đàn tính tẩu. Các nghệ nhân chế tác và chơi đàn tính tẩu có rất nhiều đóng góp trong việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống mà cha ông đã để lại. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện về việc mở các lớp dạy chế tác và sử dụng đàn tính tẩu để góp phần lưu giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật này.
Chia tay Quỳnh Nhai, tạm biệt những người “thổi hồn” cho cây đàn tính tẩu, tin rằng những mong muốn và sự nỗ lực của các nghệ nhân sẽ được các cấp, các ngành và địa phương hiện thực hóa, để những giá trị văn hóa tinh thần quý báu luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!