Cuốn sách “Hát đưa dâu - đón rể ngày nay của dân tộc Thái vùng Sốp Cộp - Sơn La” là một công trình nghiên cứu sâu sắc về nghi lễ hôn nhân truyền thống của người Thái tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Giúp bạn đọc hiểu rõ về các bài hát, nghi thức và phong tục trong đám cưới, phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa cổ truyền và đời sống hiện đại của đồng bào dân tộc Thái. Thư viện tỉnh giới thiệu cuốn sách do Nghệ nhân ưu tú Lò Minh Ón sưu tầm, biên soạn và sáng tác, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La phát hành năm 2017.
![]() |
Theo tác giả Lò Minh Ón, nghi lễ cưới của người Thái Sốp Cộp là sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian và triết lý nhân sinh. Trong lễ dạm ngõ, nhà trai cử ông mối (người đóng vai trò trung gian) mang lễ vật gồm trầu cau, gạo nếp, rượu và một con lợn đến nhà gái để đánh tiếng. Lễ vật thể hiện sự tôn trọng và là biểu tượng của sự sung túc: Con lợn trong mâm lễ tượng trưng lòng thành kính, gạo nếp là ước vọng về cuộc sống no đủ, còn rượu là chất kết dính tình cảm hai họ.
Theo truyền thống xa xưa của người Thái, thường ông mối, bà mối được gọi là Po Sứ, Me Lam - là những người hát giỏi, linh hoạt với mọi tình huống và mọi luật tục của dân tộc Thái. Trong lễ cưới, đưa dâu, đón rể người được chọn làm Po Sứ, Me Lam phải là người đứng tuổi, có đức độ, đã yên bề gia thất được các bậc cao niên đại diện cho hai gia đình nội ngoại khởi xướng những câu hát trong lễ cưới của dân tộc Thái khi đưa dâu, đón rể có nội dung răn dạy nhắc nhở đôi uyên ương bước vào cuộc sống gia đình nên sống đẹp, sống có nhiều nghĩa tình. Khi bên nhà trai mới tìm xem ngày lành tháng tốt, thống nhất hai bên ngày lành tháng đẹp. Xem chân gà hay, mặt gà đẹp. Ý nguyện đẹp hai bên thì dẫn theo Po Sứ sang nhà gái để chào hỏi (Phần I: Lý do - chào hỏi) xin phép đưa rể đến ăn ở, học hỏi mọi sự với ông bà ngoại [Tr.63]. Trước lời chào hỏi bên ngoại thân tình, ấm áp của nhà trai, Me Lam - đại diện nhà gái đáp từ lại bằng những lời ca nhẹ nhàng, ngọt ngào: Trước đây luôn nhắc nhở gắm trong tim/ Nói đến luôn nghĩa tình muốn sang thăm/ Nhưng mùa nối mùa qua năm đoạn tháng/ Đến năm này qua năm khác sai ý nguyện/ Vì bận việc nhà không sang thăm được/... Bây giờ may số dịch sát gần/ Cho cháu ta kết bạn thành đôi/ Mới sang cùng thăm ngoại bên này [Tr.65] (Bên ngoại trả lời) đồng thời không quên nhắc khéo đến nghĩa thăm nhau không phải ở mâm cao cỗ đầy, mà xuất phát từ tình cảm chân thành, trân trọng, quý mến: Đến thăm nhau không đòi ăn canh/ Thương nhau không cần có rượu/ Quý nhau ở câu nói vui lòng/ Nói câu ngắn cũng thương/ Nói câu cục cũng mừng/ Câu nói ngọt ngào nghe lòng ấm áp... [Tr.68 - 69]. Đây là những làn điệu dân ca trong đám cưới, đặc biệt là khặp đón (hát đưa dâu) và khặp mừng (hát chúc phúc).
Phần II của cuốn sách với nhan đề: Hát về rể, giúp bạn đọc đắm mình trong những làn điệu dân ca Thái du dương, sâu lắng trong tục đưa rể. Qua lời của Po sứ phần nào hiểu thêm gia cảnh nghèo khó của chàng trai Thái: Rể mình nhà nghèo túng, bà nội neo đơn/... Đưa rể đến mà chẳng có gì/ Đưa rể về gia đình còn túng thiếu/ Tạm đặt mâm rót rượu mời đắng chát... Theo phong tục, vẫn còn thiếu quá và tính cách còn e ngại, rụt rè chưa biết ăn nói nhiều điều khôn khéo của chàng rể như là cái cớ để bên gia đình nhà trai trao gửi nhờ bên ngoại che chở, dạy dỗ, chỉ bảo: Để rể biết đi nương theo cô/... đi ruộng theo bác/... Đi khơi mương cho nước tưới đồng/ Dạy cách nuôi lợn to, gà béo/ Theo bạn bè học mua, học bán [Tr.74], để dạy rể chăm, rể nói hay, rể tài và rể biết ăn biết ở, rể biết thương vợ, rể thương yêu ngoại, để cả họ hàng anh em bên ngoại nương nhờ [Tr.80]...
Khi thời gian thử thách ở nhà gái của chàng rể kết thúc, cũng là lúc cô gái theo chồng về làm dâu nhà người (Hát về dâu - phần III). Ngày đưa dâu tiễn con gái về nhà chồng, người mẹ nước mắt lưng tròng dặn dò con phải khắc cốt ghi tâm mấy lời: Dâu chăm chỉ dệt vải, quay tơ, làm nương, làm ruộng không ngơi nghỉ tay, việc chăm công dâu đều ra sức/ Quý thương mẹ chồng nhưng không mắng đàn em/... Trong nhà ngoài ngõ sạch sẽ thơm tho/... Biết lễ phép, kính trên nhường dưới/... Dâu hiếu thảo mẹ tin yêu gửi gắm cuộc đời. [Tr.95 - 96]...
Cuốn sách “Hát đưa dâu - đón rể ngày nay của dân tộc Thái vùng Sốp Cộp - Sơn La” giới thiệu những nét đẹp đặc sắc trong tập tục cưới xin truyền thống của dân tộc Thái nói chung và dân tộc Thái vùng Sốp Cộp - Sơn La nói riêng, thể hiện qua nội dung bài hát đưa dâu, đón rể ngày nay mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng những chuẩn mực về đạo đức, nhân cách làm người.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!