Thực hiện chương trình chuyển đổi số, các trường học của huyện Sốp Cộp đã đẩ mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Từ năm học 2018-2019, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nậm Lạnh đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học bằng việc trang bị máy chiếu tại các phòng học; đồng thời, khuyến khích giáo viên soạn giáo án điện tử đưa vào giảng dạy. Đến năm học 2021-2022, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các phòng học được đầu tư nâng cấp hệ thống tivi thông minh, 100% giáo viên ứng dụng giáo án điện tử trong giảng dạy. Việc sử dụng trang thiết bị của phòng học giúp các giờ học trở nên sinh động, tạo được sự thích thú, hứng khởi học tập và gắn kết, gia tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh.

Thầy giáo Quàng Văn Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nậm Lạnh, cho biết: Năm học 2024-2025, trường có 31 lớp, với 893 học sinh. Với số lượng học sinh đông, nếu quản lý theo cách truyền thống bằng hồ sơ giấy thì mất nhiều thời gian, do đó nhà trường đã quản lý học sinh bằng hồ sơ điện tử và học bạ điện tử. Hiện nay, học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 được học môn Tin học. Nhà trường cũng đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và thầy cô thông báo tình hình học tập của con em mình trên nhóm zalo.
Hứng khởi trong giờ thực hành môn Tin học, em Lò Thị Ngọc Tuyết, học sinh lớp 9A, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nậm Lạnh, chia sẻ: Em được học môn Tin học ở trường từ năm lớp 3, được cô giáo hướng dẫn em thấy dễ hiểu và thú vị. Ở nhà chưa có máy tính nên mỗi khi cần tham khảo tài liệu học tập em đã đến thư viện của trường để tìm tài liệu trên mạng.

Tại Trường THCS Púng Bánh, xã Púng Bánh không đơn thuần sử dụng những công cụ học tập truyền thống mà ở những tiết học, đặc biệt là các môn xã hội như: Lịch sử, Địa lí, Sinh học,... giáo viên truyền thụ bài giảng cho học sinh thông qua các phần mềm đồ họa, bản đồ tương tác, video, hình ảnh. Điều này giúp học sinh hiểu bài, có sự tương tác, hứng thú với nội dung học.
Thầy giáo Đào Xuân Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Púng Bánh, thông tin: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy giúp thể hiện bài giảng một cách trực quan hơn, tăng cường khả năng giao tiếp, giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn. Trước mỗi bài giảng, thầy cô giáo thiết kế bài giảng điện tử rồi gửi vào nhóm zalo của phụ huynh nhắc các em tìm hiểu trước. Với cách tiếp cận bài học như vậy, sự sáng tạo của học sinh, khả năng tương tác, hợp tác, học nhóm được nâng cao, tạo môi trường cho các em thi đua học tập.
Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ” và các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Sốp Cộp đã tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho 100% cán bộ, giáo viên. 22 trường học từ bậc mầm non đến THCS đều sử dụng nền tảng chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo, như: Hệ thống quản lý bài giảng điện tử và cung cấp phần mềm học trực tuyến; xây dựng công cụ chuyển đổi số toàn diện trong công tác kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông; xây dựng phần mềm trường học số, với thư viện học liệu điện tử. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các trường đều thực hiện soạn thảo văn bản trên máy vi tính, thiết kế bài giảng điện tử và truy cập để nhận, gửi thông tin qua nhóm zalo, gmail.

Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, cho biết: Những năm gần đây, trung bình mỗi năm ngành giáo dục huyện được đầu tư khoảng 10 tỷ đồng trang bị cơ sở vật chất, trong đó có nhiều hạng mục tu sửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin cho việc dạy học. 100% các cơ sở giáo dục đã kết nối Internet cáp quang băng thông rộng phục vụ quản lý, dạy học và tra cứu thông tin. Mỗi trường đều có phòng học, phòng họp trực tuyến, phòng máy tính quy định. Có trên 85% tổng số phòng học đã lắp đặt Smart TV và các thiết bị thông minh.
Hiện nay, các trường học trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã sử dụng phần mềm quản lý trường học từ mầm non đến phổ thông, tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc quản lý hồ sơ, sổ sách chuyên môn; áp dụng hồ sơ, sổ sách điện tử chính thức từ cấp tiểu học đến THCS. Việc triển khai thanh toán các loại phí trong nhà trường với phương châm hạn chế dùng tiền mặt cũng được các cơ sở áp dụng, tạo sự công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập tại các trường trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Sự đổi mới này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập mà còn tạo nên sự thay đổi tích cực trong tư duy, tác phong làm việc của cán bộ, giáo viên và học sinh. Đây chính là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển giáo dục theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!