Thành phố Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa mang sắc thái riêng, tạo nên một kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú và quý giá. Giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, góp phần xây dựng thành phố hiện đại, văn minh giàu bản sắc.

Thành ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20/8/2020 về “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Thành phố, mang đậm bản sắc các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025".
Đề án đề ra các nhiệm vụ cụ thể, đó là: Tổ chức duy trì tổ chức các lễ hội hàng năm như: Lễ hội Mùa hoa ban; Hội Xuân dân Bác với các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm đà bản sắc dân tộc Thái như: Múa xòe; thêu khăn piêu; tó má lẹ...;
Tổ chức duy trì tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng hai năm một lần; nghiên cứu tổ chức cuộc thi sáng tác âm nhạc, thơ ca về chủ đề văn hóa dân tộc, quê hương Sơn La; thành lập các câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân tộc trên địa bàn các xã, phường.
Duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng; biểu diễn giao lưu văn nghệ giữa các bản, xã, phường trong các ngày lễ của đất nước, của địa phương; phổ biến các điệu Xoè Thái cho cán bộ, công chức, học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố; phát động mặc trang phục dân tộc đến trường đối với học sinh, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể hóa các nhiệm vụ của đề án, UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, ban ngành và địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các sự kiện văn hóa tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình trong cộng đồng dân cư. Nổi bật là việc khuyến khích các xã, phường vận động nhân dân thành lập và xây dựng các CLB văn hóa dân tộc Thái, đến nay, thành phố đã thành lập 36 CLB bảo tồn văn hóa dân tộc với hơn 2.436 thành viên tham gia.

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, cho biết: Mô hình “CLB văn hóa dân tộc” là nơi hội tụ các nghệ nhân tiêu biểu xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái sáng tạo nghệ thuật. Các thành viên trong CLB sẽ xây dựng chương trình hoạt động, tổ chức luyện tập và biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nghiên cứu sưu tầm các làn điệu dân ca, chữ viết, phục dựng các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc.

Xã Chiềng Xôm, hiện có 10 CLB văn hóa dân tộc Thái với tổng số 450 thành viên, rất nhiều thành viên đang ở lứa tuổi học sinh. Bà Lèo Thị Muôn, công chức văn hóa và thông tin xã Chiềng Xôm, thông tin: Các CLB của xã đã duy trì các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nét văn hóa của dân tộc đang được các thế hệ gìn giữ phát huy mạnh mẽ, từ người cao tuổi đến các cháu học sinh ai cũng tự hào, ý thức được trách nhiệm gìn giữ phong tục tập quán của dân tộc mình.
Không chỉ lưu giữ những làn điệu dân ca, điệu múa của dân tộc, việc thực hiện phong trào mặc trang phục đến công sở và đến trường được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và giáo viên, học sinh trên địa bàn nhiệt tình hưởng ứng tạo nên nét đẹp văn hóa mới nơi công sở, tạo không khí vui tươi phấn khởi nơi làm việc và học tập vào những ngày thực hiện phong trào.

Ông Quàng Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Chiềng Cơi, thông tin: Việc mặc trang phục dân tộc còn được thực hiện khi đến dự các hội nghị quan trọng của bản, tổ dân phố, của, phường, của các cơ quan, đơn vị, các hoạt động lễ hội... Qua đó, ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và tôn vinh giá trị của trang phục các dân tộc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc.

Thực hiện lan tỏa các điệu xòe Thái đến giáo viên, học sinh, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn đã tạo thành nét văn hóa độc đáo trong các dịp lễ hội và các chương trình nghệ thuật của tỉnh thu hút hàng nghìn lượt diễn viên quần chúng với đủ các lứa tuổi, tham gia. Nghệ thuật xòe Thái đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân, là sợi dây gắn kết cộng đồng trong các dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tạo không khí vui tươi, đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn thành phố Sơn La.

Cùng với gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, thành phố còn tập trung trùng tu bảo vệ và phát huy hiệu quả nhiều sản phẩm văn hóa vật thể, như: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Di tích lịch sử Cây đa Bản Hẹo; Đền thờ Vua Lê Thánh Tông, Công viên văn hóa Đông Xên, Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Lò Văn Giá… Hằng năm, Thành phố rà soát các thiết chế văn hóa để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở tạo diện mạo mới tô điểm cho bức tranh văn hóa đa sắc màu.
Việc triển khai đề án gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố; xây dựng bộ “Quy tắc ứng xử trong cộng đồng” tạo dựng một môi trường giao tiếp văn hóa, văn minh, thân thiện, lành mạnh, mến khách, góp phần xây dựng thành phố Sơn La hiện đại, văn minh giàu bản sắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!