Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Năm 2024, chỉ số PAPI tỉnh Sơn La được 43,8876 điểm, tăng 1,4291 điểm so với năm 2023; đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2023.

Ảnh: PV
Chỉ số PAPI năm 2024 có 22/28 nội dung thành phần tăng điểm, 6/28 nội dung thành phần giảm điểm so với năm 2023. Để giữ vững chỉ số nội dung đạt điểm cao, cải thiện, nâng cao chỉ số nội dung đạt điểm thấp, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đề ra 39 nhiệm vụ, giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số PAPI năm 2025.
Trách nhiệm giải trình với người dân là một chỉ số đạt điểm cao, trong năm 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 và Luật Tiếp công dân năm 2013, tăng mức độ và hiệu quả tương tác giữa chính quyền địa phương với nhân dân. Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, phản ánh, bức xúc của người dân và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thực hiện việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; người đứng đầu sở, ban, ngành cấp tỉnh với nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm, Ban Tiếp công dân tỉnh đã tiếp 97 lượt, với 305 người; tiếp nhận, xử lý 355 đơn. Các cơ quan hành chính tiếp 623 lượt, với 844 người, liên quan 589 vụ việc...
Đối với các chỉ số nội dung thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp, gồm: Thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử, nguyên nhân chủ yếu do điều kiện hạ tầng kỹ thuật, kết nối mạng và trang thiết bị phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nhận thức và thói quen của một bộ phận người dân và doanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến chưa cao; vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến...
Nâng cao chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2025. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đã rà soát, đánh giá và đơn giản hóa TTHC theo lĩnh vực quản lý; tập trung vào xây dựng văn bản chỉ đạo; nâng cao năng lực cán bộ; đảm bảo chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; công khai, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; xử lý phản ánh, kiến nghị; thực hiện cơ chế một cửa, duy trì hệ thống thông tin giải quyết TTHC đồng bộ trên toàn tỉnh, sử dụng cơ chế đăng nhập, xác thực thông tin từ Cổng dịch vụ công quốc gia.
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh ban hành các quyết định công bố danh mục TTHC triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần của tỉnh Sơn La trên Cổng dịch vụ công quốc gia; ban hành 21 quyết định về việc công bố TTHC nội bộ trong tỉnh và 9 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ của các sở, ban, ngành... Đến nay, số TTHC đã cung cấp dịch vụ trực tuyến là 1.844, trong đó, 1.844 dịch vụ trên Cổng dịch vụ tỉnh; 534 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đối với nội dung “Cung ứng dịch vụ công” và “Quản trị điện tử”, tỉnh tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng viễn thông, nhất là việc triển khai chương trình cấp điện nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh 99,5% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt, trong đó, 97,4% số hộ sử dụng điện sinh hoạt an toàn... Hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử của tỉnh được nâng cấp, bảo đảm kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức và nhân dân, nhất là tại cơ sở; hệ thống quản lý văn bản và điều hành được sử dụng thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm chi phí, thời gian.
Khi thực hiện chính quyền 2 cấp, Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ, như: Tham mưu, giúp UBND cấp xã trong xây dựng chính quyền điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp nhận, số hóa, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính theo thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc, phối hợp giải quyết thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường Mộc Sơn làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bà Đặng Kim Anh, tổ dân phố 1, phấn khởi nói: Được cán bộ, công chức rất tận tình hướng dẫn, kê khai các thủ tục giấy tờ, được hướng dẫn kê khai hoàn toàn trên máy trong ít phút đã nhận được kết quả, rất thuận tiện; tôi rất hài lòng về sự đổi mới này.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin: Điểm nổi bật sau 1 tuần vận hành chính quyền 2 cấp, các Trung tâm phục vụ hành chính công tại 75 xã, phường trong tỉnh hoạt động thông suốt, không để xảy ra gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm chuyên ngành được vận hành ổn định, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phục vụ nhân dân, hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Với những giải pháp cụ thể, tỉnh Sơn La đang từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện và nâng cao các nội dung chỉ số PAPI, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!