Giữ gìn sách cổ của các dân tộc

Những cuốn sách cổ của dân tộc Thái, Dao ở Sơn La là kho tri thức chứa đựng văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển của đồng bào, là di sản văn hóa cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị.

Giọng nữ
Ông Lý Văn Chin, bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu (bên phải) - người am hiểu văn hóa và chữ viết dân tộc Dao.

Đồng bào Thái, Dao có kho tàng tri thức dân gian đồ sộ được ghi lại thành văn bản với hệ thống những cuốn sách cổ giá trị. Các cuốn sách nội dung đa dạng, phong phú, là những câu chuyện từ thời khai thiên lập địa, sự hình thành nguồn gốc tộc người, cho đến những kinh nghiệm về lao động sản xuất, lời răn dạy về đối nhân xử thế, lịch vạn sự, bài hát cúng dùng cho các nghi lễ truyền thống...

Có trong tay những cuốn sách cổ dân tộc Dao, ông Lý Văn Chin, bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, Mộc Châu, luôn giữ gìn như kho báu. Ông am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc Dao, là người uy tín trong bản, vừa là thầy cúng có tiếng, được bà con kính trọng. Ông Chin chia sẻ: Bộ sách cổ của dân tộc Dao gồm nhiều cuốn, nội dung nói về nguồn gốc người Dao, giáo dục đạo đức con người và nói về triết lý sống, những câu chuyện, ca dao, dân ca, là nơi chứa đựng kho tri thức lớn của dân tộc. Biết chữ Nôm Dao thì mới học và hiểu hết được ý nghĩa của các cuốn sách. Bởi vậy, khi còn sức khỏe, tôi luôn cố gắng để truyền dạy được nhiều hơn chữ viết và kiến thức của dân tộc cho con cháu.

 Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả đã dành hơn nửa cuộc đời cho việc nghiên cứu, biên soạn sách cổ, tri thức cổ dân tộc Thái. Ông Lả cho biết: Tôi mong muốn giữ gìn chữ viết truyền thống của dân tộc, lưu lại tri thức cổ của dân tộc bằng văn bản để con cháu được biết đến và dễ dàng tìm hiểu sau này.

Sách cổ của đồng bào các dân tộc hiện nay chỉ được lưu truyền qua các thầy cúng, nghệ nhân dân gian, những người già am hiểu về văn hóa dân tộc. Hầu hết các cuốn sách cổ đều được viết bằng mực tàu trên nền giấy gió, dễ bị hư hỏng nếu không được bảo quản đúng cách. Do vậy, đa phần những cuốn sách được người già các bản lưu giữ là sách được sao chép, biên soạn lại nội dung để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bảo tồn sách cổ - di sản của đồng bào các dân tộc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện điều tra điền dã, thu thập tư liệu sách cổ để thực hiện công tác bảo quản, lưu giữ, giới thiệu đến người xem. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh đang lưu giữ hơn 1.518 cuốn sách chữ Thái cổ, hơn 418 cuốn sách cổ của dân tộc Dao, được phân loại theo các loại hình: Văn học, lịch sử, tín ngưỡng và các loại hình khác.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã số hóa được 910 cuốn sách chữ Thái cổ và xây dựng ngân hàng dữ liệu số, mua sắm phần mềm quản lý hiện vật để lưu giữ và phát huy giá trị sách chữ Thái cổ. Bên cạnh đó, đơn vị được trang bị hệ thống giá, tủ để lưu giữ sách theo từng loại hình. Cán bộ làm công tác lưu trữ thường xuyên kiểm tra, sử dụng các thiết bị như máy hút ẩm, đo nhiệt độ để bảo quản sách, phòng tránh côn trùng xâm hại. Đơn vị cũng đang nỗ lực số hóa toàn bộ số sách còn lại trong bảo tàng, lưu giữ qua phần mềm, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và tra cứu.

Học sinh tham quan gian trưng bày hiện vật, sách cổ tại Bảo tàng tỉnh.

 Bảo tàng tỉnh đã tiến hành trưng bày giới thiệu một số tư liệu sách cổ đến người xem. Tiến hành các bước xử lý tư liệu, hiện vật dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nhằm lưu giữ đúng cách, tăng tuổi thọ của các bộ sách cổ. Đồng thời, thực hiện công tác bảo tồn theo từng giai đoạn, hoàn thành các đề án về bảo tồn sách chữ Thái cổ, nghiên cứu, scan tư liệu bằng hình ảnh để lưu giữ các cuốn sách cổ có giá trị. Đến nay, đã kiểm kê hơn 1.000 cuốn tại kho Bảo tàng tỉnh, hơn 100 cuốn sách sưu tầm, được chuyển giao; lược dịch 1.003 cuốn, dịch thuật 78 cuốn, góp phần quan trọng tăng hiệu quả quản lý, bảo quản và phát huy giá trị của các bộ sách cổ.

Với kho dữ liệu số đã được tư liệu hóa từ nguồn sách cổ, các bản dịch thuật, lược dịch, người đọc có thể dễ dàng tra cứu thông tin, tìm hiểu về nội dung các cuốn sách, về văn hóa các dân tộc khi cần thiết. Các bản viết cổ được giới thiệu tại các phòng trưng bày cũng là nguồn tư liệu quý giá để các thế hệ biết đến loại hình chữ viết cổ của dân tộc.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới