Nghi lễ “Mượng ma” (còn gọi là Mạng ma) là lễ lớn của thầy mo người dân tộc Xinh Mun. Nghi lễ này thường được tổ chức vào dịp đầu năm, cầu cho nhân dân bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Lễ “Mượng ma” thể hiện nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Xinh Mun, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Sơn La.
Ông Vì Văn Lếch, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn thông tin: Xã có 12/17 bản là người dân tộc Xinh Mun sinh sống, chiếm hơn 70% dân số toàn xã. Bà con dân tộc Xinh Mun không có chữ viết, nhưng có tiếng nói riêng, nhiều phong tục, tập quán của người Xinh Mun vẫn được bảo tồn, trong đó có nghi lễ "Mượng ma".
Nghi lễ Mượng ma có 2 thầy mo: 1 thầy mo đỡ đầu (thầy mo đã hành nghề lâu năm) và 1 thầy mo được đỡ đầu (thầy mo bị ốm); họ bên ngoại; con cháu trong gia đình, dòng họ, các con nuôi của thầy mo đỡ đầu và nhân dân trong bản.
Anh Lò Văn So, Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn thông tin: Trước đây, thời gian diễn ra nghi lễ kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất. Bây giờ, nghi lễ rút gọn tổ chức trong 2 ngày nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.
Để chuẩn bị lễ cúng chu đáo, sau khi chọn được ngày lành, tháng tốt, mọi người tập trung tại nhà thầy mo được đỡ đầu để làm các đạo cụ bằng gỗ, tre, chỉ màu, dựng cây “xặng bok”, gian thờ cúng để tổ chức nghi lễ.
Cây “Xặng bok” tượng trưng cho các tầng trời đất và được xem như trung tâm của hoạt động nghi lễ. 1 cây tre dài khoảng 4-5m được đem về để làm trụ dựng cây “Xặng bok” trước gian thờ tổ nghề của thầy mo được đỡ đầu. Trên cây, buộc dây bò khai (một loại rau rừng), hoa ban, hoa trạng nguyên, bông lúa kết bằng lá tre, 4 tấm phên đan bằng tre hình xương cá, treo chim én, cá, ve sầu làm bằng tre, gỗ. Dưới gốc cây buộc 2 cái gậy bằng gỗ, 2 củ măng đắng, 2 chum rượu cần. Bà con còn đan các vật dụng tượng trưng cho đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong lao động, sản xuất, như 2 ngôi nhà sàn bằng gỗ, ô dù, cày, bừa, cào, các con vật...
Nghi lễ “Mượng ma” gồm phần lễ và phần hội đan xen nhau. Thầy mo mời các thần linh về dự lễ, phù hộ cho gia chủ và nhận trách nhiệm làm thầy đỡ đầu cho gia chủ; cúng giải hạn cho người được đỡ đầu và cầu sức khỏe cho dân bản; mời các thần linh hưởng lộc, tiễn các thần linh về trời và kết thúc nghi lễ. Sau mỗi lễ cúng, tiếng trống, chiêng, “bàn sang”, “tăng bu” vang lên, hòa nhịp, bà con dân bản cùng nhau múa xòe và diễn các trò chơi, như kéo thuyền, đấu kiếm, cày bừa, kéo co, hái trứng, bắt tổ ong… Sau đó, người nhà mở rượu cần mời mọi người cùng uống, cầu mong sức khỏe cho thầy mo được đỡ đầu, người dân trong bản khoẻ mạnh.
Bà Lò Thị Muôn, thầy mo lâu năm bản Ta Vắt, chia sẻ: Theo tín ngưỡng của người Xinh Mun, mỗi thầy mo thường có một thầy mo cao tay đỡ đầu, nên khi bắt đầu hành nghề đều phải có nghi lễ nhận thầy đỡ đầu cho mình, gọi là nghi lễ cầu sức khỏe. Sau đó, cứ khoảng 5-10 năm, thầy mo này phải tổ chức nghi lễ Mượng Ma một lần để cầu sức khỏe, cầu bình an cho mình. Ngoài ra, còn cầu cho dân bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, đàn vật nuôi không mắc dịch bệnh, sinh sôi nảy nở. Đây là nghi lễ được chúng tôi gìn giữ đến ngày nay, là dịp để con cháu trong gia đình, con nuôi thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên và vị thần linh đỡ đầu cho mình.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ Mượng ma, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức ghi âm, ghi hình, sưu tầm và bảo tồn các công cụ, tài liệu liên quan đến nghi lễ. Viết sách và lập hồ sơ khoa học chi tiết về nghi lễ này. Đồng thời, định hướng, tác động nhằm loại bỏ những yếu tố rườm rà, chọn lọc những yếu tố có giá trị văn hóa, tính nhân văn để phát huy trong đời sống... Năm 2020, nghi lễ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!