Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc

Ngày 28/8/1945, trong tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam, Bộ Thông tin Tuyên truyền được thành lập, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ đó ngày 28/8 trở thành ngày khai sinh của ngành Văn hóa Việt Nam, ngày truyền thống của những người làm công tác văn hóa thông tin cách mạng. 75 năm qua, các thế hệ cán bộ của ngành luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ tinh thần của nhân dân.

Hoàng Ngân Hoàn

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hệ thống ngành văn hóa được hình thành từ Trung ương đến cơ sở, từ một số ngành cơ bản chuyển sang hàng chục ngành chuyên môn khác nhau, đa dạng, đa diện trên các lĩnh vực. Từ những phương tiện hoạt động nghèo nàn, nay toàn ngành đã có cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được đầu tư hiện đại. Hàng vạn cán bộ, công chức, văn nghệ sỹ được tôi luyện, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, khắp chiến trường trong khói lửa đạn bom ác liệt, ở đâu, lúc nào cũng có mặt người chiến sỹ văn hóa, đó là các nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ, ca sỹ, họa sỹ, đạo diễn, quay phim... dũng cảm kiên cường, lấy công tác tư tưởng văn hóa làm trận địa, lấy cây bút, tiếng hát, cây đàn và trái tim nồng nàn yêu nước làm vũ khí để sáng tác những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật làm rung động lòng người, cổ vũ tinh thần chiến đấu và sản xuất, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù của quân và dân ta. Trong sự nghiệp đổi mới, ngành Văn hóa tiếp tục phát huy vai trò trên mặt trận tư tưởng văn hóa, từng bước đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động  phù hợp với tình hình mới; đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, đấu tranh chống diễn biến hòa bình, góp phần ổn định chính trị; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; văn hóa từng bước gắn với phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH.

Bảo tàng tỉnh Sơn La phối hợp với Bảo tàng Kayson Phomvihan tổ chức Triển lãm ảnh “Nghĩa tình Việt - Lào". 

Ảnh: Hải Anh (Bảo tàng tỉnh)

Ở Sơn La, ngay từ ngày đầu giành chính quyền, bộ máy ngành Văn hóa - Thông tin đã ra đời, từ những hạt nhân nòng cốt làm công tác tuyên truyền và tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng, nay đã gây dựng và phát triển ngày càng trưởng thành với nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, và đế quốc Mỹ, với phương tiện hoạt động của ngành còn rất thô sơ, ngành VHTT tỉnh ta sử dụng phương pháp tuyên truyền miệng là chủ yếu, kết hợp mọi loại hình hoạt động như: Chòi phát thanh bằng loa sắt tây, loa quả bầu, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, biểu ngữ để tuyên truyền cổ động, nêu cao khẩu hiệu: “Tiếng hát át tiếng bom”, “Tiếng loa hòa tiếng súng”... cổ vũ khí thế chiến đấu và chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

 

Liên hoan Xòe Sơn La, năm 2019.

 

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là từ khi có Nghị quyết TW4 (khóa VII), Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, công tác tổ chức cán bộ của ngành không ngừng được củng cố và hoàn thiện, hệ thống thiết chế văn hóa tổ chức chặt chẽ từ tỉnh tới cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội; nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 1 nhà văn hóa cấp tỉnh, 10 nhà văn hóa cấp huyện, thành phố; 179 nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa, thể thao xã, 2.290 nhà văn hóa tổ bản; 3.300 đội văn nghệ quần chúng (mỗi năm tổ chức biểu diễn 16.250 buổi tại cơ sở); 284 câu lạc bộ. Hệ thống thư viện bao gồm Thư viện tỉnh, 11 thư viện cấp huyện, 203 tủ sách xã, phường, thị trấn; 37 chi nhánh, trạm sách tại các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện luân chuyển sách báo xuống các chi nhánh, trạm sách từ 2 - 4 đợt/năm, với số lượng luân chuyển từ 500 - 3.000 bản sách/đợt. Cùng với đó, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, 12 đội thông tin lưu động, 11 đội chiếu bóng từ tỉnh đến cơ sở mỗi năm tổ chức hơn 100 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hơn 2.000 buổi chiếu bóng lưu động, và hơn 2.300 buổi thông tin cổ động vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa vừa kịp thời chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến nhân dân.

 

Trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao tại Bảo tàng tỉnh.

Công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch được triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có 96 di tích được đưa vào danh mục, trong đó, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 34 di tích chưa được xếp hạng; 10 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Nghệ thuật Xòe Thái; Nghi lễ Lễ Hết Chá của người Thái trắng xã Đông Sang, huyện Mộc Châu; Nghi lễ cúng dòng họ của người Mông; Nghi lễ Cấp Sắc của người Dao... Một số di tích đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả, mỗi năm hàng trăm nghìn lượt người tham quan, học tập, góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng và ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như Di tích lịch Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến (Mộc Châu); Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng khoài, huyện Yên Châu... 

 

Thi xe tuyên truyền tại Hội thi tuyên truyền lưu động tỉnh Sơn La lần thứ IX, năm 2020.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã và đang phát triển rộng khắp, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ, giải trí và sáng tạo của quảng đại quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Với những kết quả đạt được, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ; nhiều năm liên tục được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đã có 1 nghệ sỹ nhân dân; 20 nghệ sỹ ưu tú; 3 nghệ nhân đạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; 28 nghệ nhân ưu tú... hàng trăm lượt cán bộ công chức, viên chức, văn nghệ sỹ diễn viên được tặng thưởng những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước; Bằng khen, Giấy khen của các cấp.

Trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII; các chương trình hành động của Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV, giai đoạn 2021 - 2025, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể, tập trung xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa theo định hướng XHCN, sâu rộng, bền vững, toàn diện, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; thực hiện tốt các chính sách về phát triển văn hóa vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với phát triển thể thao - du lịch và bảo vệ môi trường; vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống vừa tiếp thu có chọn lọc các giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại phù hợp với từng khu vực. Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do đó cần huy động mọi tiềm lực xã hội, các thành phần kinh tế. Cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sỹ của toàn ngành tiếp tục phát huy phẩm chất của người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới