1010 năm trước, trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn đã nhận thấy, ngoài thế hổ phục, rồng chầu, Hà Nội là vùng đất cao thoáng bằng phẳng, dân cư đông đúc muôn vật giàu thịnh, là nơi đô hội của bốn phương, đáng làm kinh sư cho muôn đời.
Sông Tô Lịch.
Ca dao nói về kinh đô Hà Nội có câu:
Thăng Long - Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây...
“Nghìn năm văn vật” của Thủ đô Hà Nội còn ghi dấu nền văn hóa Phùng Nguyên (4000 năm trước) ở Văn Ðiển, văn hóa Ðồng Ðậu (3500 năm trước) ở Ðông Anh, văn hóa Ðông Sơn (hơn 2000 năm trước) ở Cổ Loa, Ngọc Hà... “Cố đô rồi lại tân đô”, bây giờ người ta gọi cố đô Hoa Lư, cố đô Huế, nhưng thủ đô xưa nhất vẫn thuộc về Hà Nội.
Các sách sử cũ đều ghi lược sử Hà Nội như sau: Ðất Hà Nội có tên là hương Long Ðỗ (Rốn Rồng) với Thành hoàng là Tô Lịch, một nhân vật lịch sử có thật mang nhiều màu sắc huyền thoại.
Năm 545, Lý Bí đánh thắng nhà Lương, lập nên nước Vạn Xuân độc lập, tự xưng Lý Nam Ðế, định đô ở cửa sông Tô Lịch, xây điện Vạn Thọ, chùa Khai Quốc, tức chùa Trấn Quốc ngày nay ở Hồ Tây. Ðây chính là thủ đô đầu tiên của đất nước độc lập, sau đời các vua Hùng ở Phú Thọ, An Dương Vương ở Cổ Loa.
Trong thời nước ta bị nhà Tùy (581 - 618), nhà Ðường (618 - 907) đô hộ, lỵ sở, thành quách ở Hà Nội, có tên là Tống Bình. Thời vãn Ðường, đổi tên là La Thành, hay Ðại La. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Thành này do Trương Bá Nghi đắp từ năm Ðại Lịch thứ hai (767) đời Ðường; năm Trinh Nguyên thứ 7 (791), Triệu Xương đắp thêm. Năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), Trương Chu lại sửa đắp lại. Năm Trường Khánh thứ 4 (824), Lý Nguyên Gia dời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ gọi là La Thành. Năm Hoàn Thông thứ 7 (866), Cao Biền đắp ngoại thành bao quanh kinh thành, cũng gọi tên là La Thành”.
Thăng Long, một tên gọi đẹp, mang hình tượng của sự linh thiêng và phát triển, mang hồn cốt của dân tộc, là thủ đô của kỷ nguyên độc lập, là cái mốc 1010 tuổi chúng ta tính đến ngày nay. Về sự kiện này, hầu như mọi người đều nhớ từ bài Chiếu dời đô, từ ghi chép của Ðại Việt sử ký toàn thư: “Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua từ thành Hoa Lư dời đô ra kinh phủ thành Ðại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”. Chữ Thăng Long khi ấy có nghĩa là Rồng bay. Năm 1802, nhà Nguyễn đóng đô ở Huế, với quan niệm “vua “là “rồng”, “rồng” không ở Hà Nội, nên đổi chữ “Long” là “Thịnh vượng”.
Năm 1397, Thăng Long đổi thành Ðông Ðô. "Mùa hạ, tháng 4 năm Ðinh Sửu (1397) lấy phó tướng Lê Hán Thương (Hồ Hán Thương) coi phủ đô hộ là Ðông Ðô (Ðại Việt sử ký toàn thư). “Ðông Ðô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hóa là Tây Ðô, Thăng Long là Ðông Ðô (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Năm 1408 quân Minh xâm lược nước ta, đổi tên Ðông Ðô là Ðông Quan với ý là cửa quan phía đông của nhà Minh. Sau 10 năm khởi nghĩa, năm 1428, Lê Lợi giải phóng đất nước đổi tên Ðông Quan thành Ðông Kinh, người châu Âu phiên là Tonkin. Ðại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa hạ, tháng 4 năm Ðinh Mùi, Vua (Lê Lợi) từ điện tranh ở Bồ Ðề, vào đóng ở thành Ðông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Ðại Việt, đóng đô ở Ðông Kinh, tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hóa có Tây Ðô, cho nên gọi thành Thăng Long là Ðông Kinh”.
Năm 1831, vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội. Nghĩa của từ Hà Nội là nằm giữa hai con sông, sông Hồng và sông Ðáy.
Từ năm 1887 - 1945, Hà Nội là thủ phủ của Ðông Dương thuộc Pháp.
Năm 1945, Hà Nội là nơi làm việc của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Ngày 2-7-1976, Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Hà Nội trong lịch sử còn có các tên là Phụng Thành (thế kỷ 16, Hà Nội có tên phủ Phụng Thiên); Bắc Thành (thời Tây Sơn), Long Thành, Hà Thành, Thành Hoàng Diệu (tên gọi thời kháng chiến chống thực dân Pháp để nêu cao khí tiết yêu nước)...
Với văn hiến nổi bật, với những đóng góp lớn lao cho nhân loại, Hà Nội được ngợi ca là thủ đô của phẩm giá con người, là thành phố vì hòa bình.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!