Là vùng đất đa sắc màu văn hóa, thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể luôn được huyện Vân Hồ đặc biệt quan tâm.
Phụ nữ dân tộc Mông xã Lóng Luông (Vân Hồ) duy trì nghề may trang phục dân tộc.
Huyện Vân Hồ có 5 dân tộc cùng sinh sống, là Mông, Thái, Mường, Kinh, Dao, hội tụ nhiều giá trị văn hóa độc đáo trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống... Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các dự án sưu tầm giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc; tuyên truyền để đồng bào các dân tộc thêm tự hào, quý trọng những di sản văn hóa, từ đó có ý thức hơn trong sử dụng tiếng nói, chữ viết, âm nhạc dân tộc và phát huy giá trị các di sản văn hóa, như lễ hội, trang phục gắn với phát triển tiềm năng du lịch. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức tập huấn truyền dạy “Dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông” cho đồng bào dân tộc Mông; vận động, khuyến khích đồng bào thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, ma chay, gắn với giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đến nay, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cơ bản vẫn được duy trì, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được lưu giữ và tổ chức thường xuyên, như: Nhảy Tha Khềnh (múa khèn); thổi kèn lá của dân tộc Mông ở xã Vân Hồ, Lóng Luông; múa sạp, thổi sáo của dân tộc Thái ở Chiềng Yên, Liên Hòa, Chiềng Khoa, Song Khủa, Xuân Nha, Tân Xuân; múa chuông của dân tộc Dao ở Liên Hòa, Vân Hồ, Chiềng Yên, Suối Bàng... Hiện 100% các xã trên địa bàn có các đội văn nghệ quần chúng tổ chức tập luyện, giao lưu thường xuyên, góp phần lưu giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật. Hằng năm, huyện duy trì tổ chức các lễ hội chính, như: Ngày hội hoa đào tại xã Lóng Luông; Lễ hội hoa ban (Xên Mường) tại xã Chiềng Khoa. Ngoài ra, các xã chủ động tổ chức các ngày hội, trò chơi dân gian vào các dịp lễ, tết phù hợp với đặc thù địa phương. Các nghề thủ công truyền thống được duy trì, như đan lát mây, tre; thêu, dệt trang phục dân tộc; nghề mộc... Nhiều hủ tục lạc hậu trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, như thách cưới, tổ chức ăn uống dài ngày trong cưới hỏi, ma chay hầu như không còn.
Tìm hiểu ở xã Lóng Luông, nơi có đến 83% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chúng tôi nhận thấy phụ nữ dân tộc Mông ở đây vẫn giữ được phong tục may, thêu và sử dụng trang phục dân tộc trong cuộc sống thường nhật. 100% các gia đình dân tộc Mông đều có máy may trang phục dân tộc; các gia đình có con gái đi lấy chồng đều mua cho con 1 chiếc máy may để mang về nhà chồng. Vào dịp giáp Tết hằng năm, phụ nữ Mông lại tập trung may, thêu trang phục cho bản thân và gia đình để diện Tết. Trên địa bàn xã, nhiều gia đình đã đầu tư thêm máy may để may trang phục dân tộc, phục vụ khách du lịch. Các dân tộc trên địa bàn cũng tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa; thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao; tổ chức các trò chơi dân gian, như bắn nỏ, đánh tu lu, ném pao, ném còn... vào các dịp lễ, tết.
Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bảo các dân tộc, mà còn được huyện Vân Hồ khai thác tốt để phát triển du lịch, mở ra những cơ hội phát triển cho địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!