Năm nay, ông Đoàn Thế Kỷ, tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ (Vân Hồ) đã bước vào tuổi 70 nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn. Là một CCB, thương binh nhưng những năm qua, ông luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, động viên gia đình tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Vợ chồng ông Đoàn Thế Kỷ, tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ (Vân Hồ) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Trong căn phòng khách ấm áp của gia đình ông, treo nhiều Huân chương, Huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng cho ông và vợ là bà Nguyễn Thị So, từng là “cô gái mở đường” Trường Sơn năm xưa. Trò chuyện với chúng tôi về thời gian tham gia chiến trường miền Nam, ông kể: Năm 1970, tôi 18 tuổi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện lính trinh sát, tôi được biên chế vào đơn vị C11 - D3 thuộc Sư đoàn 473. Đơn vị của tôi tham gia chiến đấu chủ yếu tại mặt trận Trị Thiên, với các chiến trường ác liệt, như: Đông Hà, Cam Lộ, Khe Sanh và mặt trận Nam Lào.
Ngừng chút thời gian, ông Kỷ kể tiếp: Nhiệm vụ của tôi là đi trước dẫn đường cho bộ đội hành quân, phát hiện các ổ phục kích của địch để tổ chức chiến đấu hoặc có thể tìm đường đi khác để tránh đụng độ với địch, tránh những quả bom do quân giặc ném xuống nhưng chưa nổ, bảo đảm an toàn, bí mật cho cuộc hành quân. Tháng 9/1972, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, tôi bị thương và mất đi đôi bàn tay do mìn nổ. Sau thời gian điều trị ở binh trạm, cuối năm 1972, tôi được xuất ngũ trở về quê hương Thái Bình.
Tham gia câu chuyện, bà Nguyễn Thị So, người con gái “quê hương 5 tấn” năm xưa, nói: Năm 1970, tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ rà, phá bom mìn, lấp hố bom đảm bảo cho các đoàn xe vận tải trên đường Trường Sơn. Ngày ấy, thanh niên chúng tôi luôn tâm niệm “Tim còn đập, máu còn sôi, đường luôn đảm bảo thông suốt”. Dù gian khổ, hy sinh, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cho đến ngày toàn thắng.
Sau khi rời chiến trường trở về quê hương tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, cô gái mở đường Nguyễn Thị So và anh lính trinh sát Đoàn Thế Kỷ đã gặp nhau, rồi nên duyên vợ chồng vào năm 1974. Trong quá trình điều trị những vết thương, ông Kỷ được chẩn đoán nhiễm chất độc da cam, nhưng với sự động viên, khích lệ của người bạn đời, ông luôn lạc quan trong xây dựng cuộc sống mới.
Năm 1985, khi Đảng và Nhà nước kêu gọi người dân các tỉnh miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới tại các tỉnh phía Tây Bắc, vợ chồng ông Kỷ đã đăng ký lên tiểu khu Sao Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu (nay là tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ). Thời gian đầu lên lập nghiệp ở vùng đất mới, vợ chồng ông làm đủ nghề để kiếm sống, từ công nhân hái chè, trồng ngô, đến chăn nuôi trâu, bò. Ông bà có với nhau 4 người con, mặc dù đời sống những năm đầu trên quê mới còn nhiều khó khăn, gia đình phải chạy ăn từng bữa, nhưng vợ chồng ông vẫn cố gắng động viên con cái đi học.
Với quyết tâm xóa nghèo, gia đình ông đã chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng mận hậu, bưởi da xanh, bưởi đỏ, xoài lai và cải tạo vườn nhãn địa phương bằng giống nhãn chín muộn. Đối với người bình thường, lao động sản xuất đã khó, nhưng ông Kỷ, mất đôi bàn tay còn khó khăn hơn nhiều. Không muốn thành gánh nặng của gia đình, ông đã nghĩ cách cải tiến, sáng tạo những công cụ lao động phù hợp. Đơn cử như chiếc kéo cắt tỉa cành cho cây ăn quả, ông nhờ người thân nối dài một đầu cán và hàn một chiếc vòng vừa với cẳng tay phải, cán còn lại ông sử dụng cổ tay trái đến bấm, cắt tỉa cành cây ăn quả. Hay như chiếc máy cắt cỏ cũng được ông nghiên cứu lắp thêm một số bộ phận khác cho phù hợp. Hiện gia đình ông có trên 4 ha cây ăn quả đã cho thu hoạch, với sản lượng hàng năm đạt trên 50 tấn quả các loại. Ngoài ra, ông còn nuôi trên 250 đàn ong, từ các nguồn trên, thu nhập của gia đình đạt trên 400 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn, ông Kỷ tâm sự: Năm 2016, huyện triển khai dự án làm tuyến đường rộng 31,5m nối từ quốc lộ 6 cũ vào trung tâm huyện, gia đình tôi đã tình nguyện hiến 6.000m² đất, gồm ao cá, diện tích trồng cây mận hậu để mở rộng mặt đường. Sau khi hoàn thành tuyến đường, gia đình tôi đã xây lại ngôi nhà mới, đồng thời làm cống dẫn nước từ con suối phía sau nhà và cải tạo làm khu vườn để trồng cây ăn quả.
Không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình, ông Đoàn Thế Kỷ còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, các hoạt động ở địa phương. Ông còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp họ phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, được bà con trong tiểu khu, các đồng đội yêu mến, cảm phục. Ông xứng đáng với lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!