Trồng cây ăn quả trên đất dốc - Hướng đi bền vững của Nông nghiệp Sơn La: Kỳ I : Những tỷ phú vườn đồi

Sơn La được coi là “thủ phủ” của nông sản ngô, sắn, nhưng những năm gần đây đất bạc màu, ngô mất giá, những mảng đồi bị bỏ hoang, trơ trụi, người nông dân đứng trước nguy cơ thiếu đói. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tỉnh ta đã có những chủ trương, chính sách để chuyển đổi hàng chục ngàn ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

 

Các hộ dân xã Chiềng Khoong (Sông Mã) thu hoạch nhãn.

Mai Sơn cách đây chỉ vài năm trước, cây ngô, cây sắn hầu như chiếm hết các sườn đồi và được coi là cây xóa nghèo. Mở rộng diện tích trồng tràn lan, đồng nghĩa với rất nhiều cánh rừng đã bị phá. Nhưng khi cây ngô mất giá, nông dân lại phải bỏ đất hoang. Đứng trước khó khăn đó, chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc và những chính sách phù hợp của Tỉnh ủy Sơn La như luồng gió mới làm thay đổi nhận thức của người nông dân. Ông Nguyễn Đắc Đông, bản Nà Cang, xã Hát Lót (Mai Sơn) thành viên của HTX Ngọc Lan, vừa dẫn chúng tôi thăm vườn cây ăn quả vừa tâm sự: Vùng này trước đây là đất trồng ngô, bao công sức đổ xuống trên từng mảnh nương nắng gắt, nhưng cái nghèo đói vẫn đeo đẳng người dân từ năm này sang năm khác, thậm chí nhiều hộ trồng ngô trở thành con nợ trên chính mảnh đất của mình. Chính vì thế, gia đình tôi đã đầu tư chuyển đổi gần 3 ha đất đồi trồng ngô sang trồng xoài tượng da xanh; sau 3 năm, vườn xoài cho thu hoạch; niên vụ 2018, gia đình tôi thu được hơn 40 tấn, bán với giá trung bình 12.000 đồng/kg, thu về hơn 400 triệu đồng. Nhìn vườn đồi xanh ngút ngàn, nét mặt ông rạng rỡ bởi một hướng đi đúng trong chuyển đổi cây trồng và chính ông cũng không ngờ có được thành quả như ngày hôm nay. Và từ đây, vườn cây trái sẽ đưa ông trở thành tỷ phú vườn đồi ở Mai Sơn.

Trồng gắn với bao tiêu sản phẩm, HTX Ngọc Lan tại xã Hát Lót đã thành công với mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, cho biết: HTX hiện có 52 thành viên, với quy mô 100 ha trồng xoài, nhãn và bưởi da xanh theo mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Từ năm 2015 đến nay, HTX luôn nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, như: Tiền hỗ trợ mua cây giống; hỗ trợ kỹ thuật thực hành sản xuất; thăm quan học hỏi kinh nghiệm, mua tem nhãn, bao bì đi tiêu thụ sản phẩm, nhất là được hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng nhà sơ chế nông sản và 500 triệu đồng xây dựng vườn ươm lưu vườn cây giống cây ăn quả... Những chính sách đó đã đem lại hiệu quả rõ rệt, vụ năm nay trên 100 tấn xoài của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Australia và Trung quốc; dự kiến tới đây, HTX sẽ ủy thác xuất khẩu khoảng 20 tấn bưởi da xanh sang thị trường Trung Quốc.

Khẳng định cho những chủ trương chính sách của tỉnh, ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Sơn, cho biết: Có thể nói, Mai Sơn là bức tranh thu nhỏ cho tiềm năng nông nghiệp của Sơn La. Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của tỉnh về chuyển đổi đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, đến nay, toàn huyện Mai Sơn có 3.958 ha cây ăn quả, tăng 1.285 ha so với năm 2017. Sản lượng niên vụ 2018 ước đạt gần 18.000 tấn quả các loại, trong đó có 28,7 ha cây ăn quả được cấp mã vùng trồng; đã được công bố nhãn hiệu chứng nhận na Mai Sơn; cấp chứng nhận 2 mã vùng cho sản phẩm xoài, nhãn để xuất khẩu; thành lập 75 HTX nông nghiệp. 8 tháng đầu năm 2018, huyện đã xuất khẩu 877 tấn xoài, thanh long, chanh leo, nhãn, na sang thị trường Trung Quốc, Đu Bai, Australia... thu nhập bình quân 1 ha cây ăn quả đạt khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản an toàn tỉnh năm 2018.

Từ Mai Sơn theo con đường 4G chúng tôi vào Sông Mã. Từ xã Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Chiềng Khương đến xã Nà Nghịu, thị trấn Sông Mã, hai bên sườn đồi chạy dọc bên dòng sông Mã hùng vĩ là màu xanh bạt ngàn của những vườn nhãn hàng chục hécta. Nghe theo tiếng gọi của Đảng lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 60, những người con của Hưng Yên lên định cư ở Sông Mã đã mang theo sản vật quê nhà là cây nhãn lên trồng. Sau hàng thế kỷ, cây nhãn vượt qua những thăng trầm vẫn bám sâu vào lòng đất... tính đến nay, toàn huyện có trên 34.000 hộ dân ở 19 xã, thị trấn trồng nhãn với diện tích trên 6.000 ha, chiếm trên 83% diện tích cây ăn quả của địa phương và trở thành cây ăn quả chủ lực cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Cũng giống như hàng trăm hộ dân khác, anh Nguyễn Bá Thụy, bản Tiên Cang, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã đã trở thành triệu phú vùng biên khi mỗi năm vườn nhãn cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Anh Thụy kể: 1 ha trồng ngô một năm thu được 20 tấn bắp bán với giá 3.500 đồng/kg chỉ thu được 70 triệu đồng, trừ tiền đầu tư còn lại chẳng được bao nhiêu. Năm 2006, tôi chuyển sang trồng nhãn; 4, 5 năm sau cây nhãn cho quả, nhưng điểm danh những cây nhãn cùi, bán hàng hoa thì ít, nhãn nước, thóc thì nhiều, những loại nhãn này chỉ bán cho các lò làm nong nhãn, với giá vài nghìn đồng/kg, năng suất, hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhiều người khuyên tôi chặt đốn đi thay thế bằng cây trồng khác. Nhìn những cây nhãn gần chục năm tuổi, tôi thấy tiếc, hơn nữa chưa biết thay thế cây trồng gì cho phù hợp. Năm 2015, có cán bộ khuyến nông huyện đến xã mở lớp tập huấn về ghép cải tạo vườn nhãn, tôi đã ghép cải tạo 1 ha nhãn bản địa bằng giống nhãn Miền; sau 3 năm vườn nhãn cho thu hoạch, những chùm nhãn sai trĩu, quả to, mọng, mã đẹp bán được giá, thu về hơn 100 triệu đồng; tiếp đó, tôi chuyển đổi thêm 2 ha trồng ngô sang trồng 2.400 cây nhãn Miền; vụ vừa qua gia đình tôi thu 27 tấn quả tươi, trừ tất cả chi phí cho lãi hơn 300 triệu đồng, dự tính vụ năm sau khi vườn nhãn trưởng thành, sản lượng thu được sẽ tăng gấp vài lần năm nay.

Thành viên HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn) đóng gói xoài chuẩn bị xuất khẩu.

Cũng gắn bó và trăn trở với ngành nông nghiệp huyện nhà nhiều năm, ông Lương Văn Vịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, huyện Sông Mã đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền về chính sách phát triển cây ăn quả của tỉnh và huyện, thu hút hàng nghìn lượt người tham dự... Theo đó, huyện đã giao cho các xã, thị trấn đăng ký giảm 9.935 ha đất trồng ngô, cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng mới 2.100 ha nhãn, 600 ha xoài, chủ yếu là giống xoài Đài Loan, Thái Lan, Úc; trồng các loại quả có múi như: bưởi, cam, chanh ở địa bàn các xã dọc quốc lộ 4G, quốc lộ 12 với diện tích 350 ha... Cùng với đó, huyện thực hiện quy hoạch vùng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung với diện tích từ 2.500 ha đến 3.000 ha vào năm 2020. Sau hơn 2 năm thực hiện đến nay, toàn huyện đã trồng mới 1.856 ha nhãn; cải tạo 1.100 ha cây ăn quả bằng phương pháp ghép mắt; trồng mới trên 280 ha xoài; gần 150 ha bưởi, cam, chanh, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 7.729 ha, trong đó trên 6.000 ha nhãn, sản lượng quả đạt trên 40.000 tấn. Đồng thời, hỗ trợ 9 HTX nông nghiệp xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch VietGAP cho quả nhãn, với diện tích gần 200 ha để cung cấp cho hệ thống các siêu thị trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Mô hình trồng chanh leo của hộ dân bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ).

Nhờ chủ trương trồng cây ăn quả của tỉnh đã mang đến một diện mạo mới cho bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà, hình ảnh những mảng đồi trơ trọi, xói mòn sau mỗi vụ thu hoạch ngô trước đây dọc quốc lộ 6, quốc lộ 4G cũng như các tuyến đường liên xã, liên bản trên địa bàn tỉnh hôm nay đã được phủ màu xanh của những vườn xoài da xanh, nhãn ghép và nhiều loại cây ăn quả có múi, mang về thu nhập hàng tỷ đồng cho người dân. Và danh sách những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc mỗi năm được dài thêm.

(Còn nữa)

Huy Ngoan - Minh Thu

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới