Quản lý vùng nguyên liệu xoài - bài học từ niên vụ 2018

Việc thâm canh, phát triển diện tích xoài của tỉnh ta những năm qua đã có những bước phát triển mạnh, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi tư duy canh tác, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Dù vậy, niên vụ xuất khẩu xoài 2018 vẫn còn nhiều hạn chế, như tỷ lệ quả xấu còn nhiều, việc thu hái, sơ chế xoài phục vụ công tác xuất khẩu chưa đáp ứng được thời gian, chất lượng... Chính vì vậy, việc xác định tiềm năng và thách thức nhằm định hướng quản lý tốt vùng nguyên liệu những năm tiếp theo là điều cần thiết.

 

Cán bộ Chi cục BVTV hướng dẫn HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu) bao trái xoài.

 

Tỉnh ta hiện có 8.907 ha xoài, trong đó, diện tích cho sản phẩm gần 4.000 ha, tập trung ở các huyện: Yên Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Bắc Yên, Thành phố. Giống xoài chủ yếu là xoài Đài Loan, xoài Thái Lan, xoài Úc, xoài hôi và một số giống xoài địa phương khác, sản lượng năm 2018 đạt trên 25.300 tấn. Trước đây, các hộ dân trồng xoài chỉ quan tâm đến sản lượng mà chưa quan tâm đến nhu cầu thị trường, chất lượng xoài cũng không đảm bảo khi bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mẫu mã xấu gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua, chế biến. Để sản phẩm xoài mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từ năm 2017 đến nay, việc quảng bá xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu được tỉnh quyết liệt chỉ đạo và các doanh nghiệp quan tâm, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã có mặt tại các thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sản phẩm đã được tiêu thụ tại các siêu thị và thị trường nước ngoài, mở ra một cơ hội lớn để tiêu thụ sản phẩm nông sản...

Nhận thấy sản xuất xoài theo kiểu tự nhiên, tự phát đã không còn phù hợp, cộng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về sản phẩm an toàn, muốn sản xuất đạt hiệu quả cao thì sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, tiêu chuẩn tiêu thụ sang thị trường Úc, quả xoài phải được thu hoạch trong mã số vùng trồng được Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I cấp, có trọng lượng từ 0,55 kg đến 0,75 kg, giống xoài tượng da xanh to đều, vỏ bóng đẹp, không đốm sâu bệnh, không trầy sát, hạt chưa đóng sơ. Đối với thị trường Trung Quốc, quả xoài không giới hạn về trọng lượng, to đều, vỏ bóng đẹp, không đốm sâu bệnh, không trầy sát, có độ chín già.

Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao các đơn vị chức năng hướng dẫn, chỉ đạo các hộ tổ chức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng tiêu thụ, xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đến nay, có 2 đơn vị là HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu) và HTX Ngọc Lan (Mai Sơn) được cấp mã số vùng trồng với diện tích gần 15 ha, sản lượng khoảng 220 tấn; 5 HTX được cấp chứng nhận VietGAP tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Mường La với diện tích 65,8 ha, sản lượng gần 600 tấn. Hiện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn 2 HTX tại huyện Yên Châu xây dựng, lập hồ sơ đăng ký đề nghị cấp mã vùng trồng xoài xuất khẩu với diện tích 14,7 ha.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, một trong 2 HTX đầu tiên của tỉnh được cấp mã số vùng trồng, chia sẻ: Trước những yêu cầu của thị trường, HTX đã đăng ký xin cấp mã số vùng trồng, qua đó, giúp việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng, đồng thời, gắn chặt sản xuất theo quy trình, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm, giúp cho xoài địa phương “giữ chân” người tiêu dùng ngoài nước lâu dài hơn.

Còn chị Phạm Thị Vân, cán bộ Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Mai Sơn, người luôn đồng hành của người nông dân, HTX của huyện Mai Sơn trong việc hướng dẫn quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, cho biết: Mỗi tháng 1 lần, chúng tôi sẽ kiểm tra ghi chép các thông tin về hoạt động canh tác chăm sóc xoài cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với diện tích được cấp mã số vùng trồng và vùng sản xuất theo VietGAP.

Tuy nhiên, một số thành viên hợp tác xã còn có tư duy khi có đặt hàng sản xuất để xuất khẩu mới thực hiện bao quả, dẫn đến tỷ lệ quả xấu còn nhiều. Việc cung cấp thông tin quản lý vùng nguyên liệu xoài phục vụ cho việc tiêu thụ, xuất khẩu của các huyện chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến việc thu hái, sơ chế xoài phục vụ công tác xuất khẩu chưa đáp ứng tối đa về thời gian, chất lượng cho một số công ty nhập khẩu. Bên cạnh đó, diện tích xoài được cấp chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất an toàn mới chỉ chiếm 0,9% so với diện tích xoài toàn tỉnh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển xoài bền vững, tỉnh ta đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các hộ trồng xoài áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất, phấn đấu trong năm 2019, có khoảng 300 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 100 ha được cấp mã số vùng trồng nhằm tăng sản lượng quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để duy trì mã số vùng trồng đã được cấp; hướng dẫn việc bao quả đúng thời gian, mùa vụ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới