Toàn tỉnh hiện có hơn 12.250 ha nhãn, chiếm 32,68% tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh, tập trung ở các huyện: Sông Mã, Yên Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, Mường La. Niên vụ 2018, hơn 7.820 ha nhãn cho quả, ước khoảng 62.000 tấn (tăng 22.760 tấn so với năm 2017). Để sản phẩm của bà con không bị ép giá, ép cấp, đảm bảo thu nhập, tỉnh ta đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn hợp tác tiêu thụ và xuất khẩu nhãn.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T khảo sát vùng trồng nhãn
tại HTX Hưng Lộc, xã Chiềng Khương (Sông Mã).
Vùng nhãn thủ phủ của tỉnh là huyện Sông Mã những ngày này, dọc bên dòng sông Mã, đâu cũng thấy nhãn rủ vít cong cành. Nhãn nơi đây chín sớm, đầu tháng 7 đã thu hoạch loại chín sớm, còn loại nhãn đặc sản Miền Thiết cuối tháng này là chính vụ. Nhà của bà Trần Thị Minh An, Giám đốc HTX An Phú, bản Quyết Thắng, xã Chiềng Khương cũng rôm rả hơn vì đón khách ra, khách vào hỏi mua nhãn. Đón đoàn khách Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và huyện đưa đến khảo sát vùng trồng nhãn để xuất khẩu, bà An và một số thành viên HTX niềm nở, tiếp đãi bằng sản phẩm nhãn chín sớm và tự tin giải đáp các yêu cầu của khách hàng về chất lượng, số lượng. Bà An thông tin: HTX An Phú có 14 thành viên, với tổng diện tích 30 nhãn, sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn; dự kiến đạt 13 tấn/ha. Vào vụ năm nay, HTX đã tiếp nhiều thương lái, doanh nghiệp đến đặt vấn đề mua nhãn, đang thỏa thuận giá cả hợp lý.
Các thành viên đoàn khách đều gật gù, suýt xoa khi thăm vườn nhãn quả trĩu cành và thưởng thức những quả nhãn to đều, mã đẹp, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày dóc nước, không bị nát mà ngọt sắc. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T kiểm tra tỉ mỉ từng quả nhãn, dùng kính lúp để soi xét kỹ lưỡng và đánh giá, nhãn ở Sơn La không có loại ốc nhỏ li ti như những vùng khác ở miền Nam mà loại này mất nhiều công để xử lý.
Sau khi kiểm tra vùng nhãn ở Sông Mã, đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T đã đặt vấn đề với tỉnh và một số huyện thu gom khoảng 500 tấn nhãn xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời, thể hiện sự tin tưởng về kết quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bởi năm trước Công ty đã đưa 1 tấn nhãn Sơn La vào thị trường này đạt kết quả tốt.
Không chỉ Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, như Công ty Agricare, Đồng Giao, TH, VinMart, VinEco, Hapro, BicC, Lotte, Aeon... liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh thu mua, chế biến, tiêu thụ nhãn niên vụ 2018. Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Giao thông tin: Được tỉnh Sơn La tạo điều kiện, Công ty đã dẫn một số đối tác ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đi khảo sát và đang xúc tiến dẫn một số đối tác ở Nhật Bản lên khảo sát. Các đối tác đánh giá cao sản phẩm nhãn Sơn La và đang thương thảo các điều khoản hợp tác xuất khẩu.
Trong 12 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, nhãn niên vụ 2018 được tỉnh tập trung cao độ triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu, dự kiến tiêu thụ cơ bản sản lượng nhãn khoảng 60.000 tấn, giá cả hợp lý, đảm bảo thu nhập cho người trồng nhãn. Trong đó, kênh phân phối trong nước (các chợ đầu mối, chợ truyền thống bán lẻ) khoảng 35.000 - 40.000 tấn; kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế thu mua, tiêu thụ, tổ chức Tuần lễ nhãn Sơn La tại Hà Nội, dự kiến tiêu thụ 5.000 tấn; xuất khẩu khoảng 5.000 tấn nhãn quả (Thị trường Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN khoảng 500 tấn; thị trường Trung Quốc khoảng 4.500 tấn); còn lại tiêu thụ thị trường trong tỉnh. Các doanh nghiệp được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để thu mua, sơ chế, bảo quản và vận chuyển sản phẩm. Tỉnh cam kết quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm; huy động lực lượng tham gia thu hoạch sản phẩm, đảm bảo số lượng, thời gian giao hàng.
Dẫn doanh nghiệp đi khảo sát nhãn ở Chiềng Khương, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã thông tin: Sông Mã hiện có khoảng 6.000 ha, trong đó, hơn 4.200 ha cho sản phẩm với khoảng 40.000 tấn. Niên vụ này, huyện đã thành lập Tổ công tác tiêu thụ và xuất khẩu nông sản do đồng chí Bí thư huyện ủy làm Tổ trưởng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh mời các doanh nghiệp vào huyện khảo sát vùng nhãn, liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nhãn, huy động lực lượng tham gia thu hoạch, đảm bảo giao hàng đủ số lượng, chất lượng và đúng thời gian.
Từ trung tuần tháng 7 đến đầu tháng 9, tỉnh ta sẽ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản an toàn và nhãn tại tỉnh, thành phố Hà Nội, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nhằm quảng bá sản phẩm nhãn, kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu. Qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh kết nối, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Để hợp tác bền vững, các doanh nghiệp, HTX, các hộ gia đình sản xuất và thu gom nhãn của tỉnh cần thực hiện đúng hợp đồng, giữ chữ tín, nhất là thực hiện đúng cam kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước về số lượng, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!