Những năm qua, nhiều hộ dân ở xã Tông Lạnh (Thuận Châu) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình. Hiện, toàn xã Tông Lạnh đã có gần 300 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Mô hình trồng cây cà phê của nông dân xã Tông Lạnh (Thuận Châu).
Đến thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng của hội viên Quàng Văn Hinh, bản Thẳm B, ấn tượng đầu tiên là trang trại với 5 dãy chuồng nuôi bò nhốt được đầu tư xây kiên cố. Vừa cho bò ăn, anh Hinh cho biết: Trước kia, gia đình tôi nuôi bò quy mô nhỏ, chỉ bán từ 1-2 con/năm. Qua học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật nuôi bò nhốt chuồng của Hội Nông dân xã và cán bộ khuyến nông, năm 2007, gia đình tôi vay 20 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua 2 con bò sinh sản. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, nên năm sau, bò đã sinh sản và phát triển tốt; từ đó tôi nhân rộng và phát triển đàn bò. Để có thức ăn cho đàn bò, tôi trồng gần 1 ha cỏ voi làm thức ăn. Đến nay, gia đình tôi có trên 50 con bò, mỗi năm bán 15-20 con bê giống và 10 con bò thịt. Ngoài ra, gia đình tôi còn kinh doanh bán quần áo, vải thổ cẩm, vải khít cho bà con trong vùng; trừ chi phí thu 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương. Nhiều năm liền, gia đình tôi được công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân SXKDG cấp tỉnh.
Thăm mô hình trồng ổi tứ quý, trồng cà phê của ông Lò Văn Phan, bản Lạnh B với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, thật cảm phục ý chí làm giàu của ông. Tìm hiểu được biết, ngày trước, gia đình ông có hơn 2 ha đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu trồng ngô, sắn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2003, ông chuyển đổi 0,3 ha sang trồng cà phê, thấy hiệu quả nên nhân rộng ra hơn 1 ha. Đến năm 2013, ông tiếp tục học hỏi kinh nghiệm đưa giống ổi tứ quý vào trồng trên 1 ha. Trong quá trình trồng, chăm sóc ổi, ông Phan luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những hộ trồng lâu năm ở xã Phổng Lái, xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn), nên vườn ổi nhà ông cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan cho biết: Vườn ổi của gia đình trồng được gần 3 năm nay, bán cho thương lái khoảng 3 tấn quả/năm, bình quân 15.000 đồng/kg. Mỗi năm từ tiền bán cà phê và ổi, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng...
Mô hình kinh tế của gia đình anh Hinh, ông Phan là hai trong nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Tông Lạnh. Những năm qua, Hội Nông dân xã Tông Lạnh đã phối hợp mở hàng chục lớp tập huấn cho hội viên về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để người dân tham quan học tập. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển trồng trọt, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hội còn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo, tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Châu cho 135 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền hơn 3 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ nông dân cho 12 hội viên vay với số tiền 160 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ sự hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật của các đoàn thể của xã, huyện, nhiều hộ dân trong xã đã nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường, đầu tư vốn, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chịu được khô hạn, sâu bệnh hại, thời tiết khắc nghiệt, tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả, như: Mô hình trồng cây ăn quả, cây cà phê, cây chanh leo, rau an toàn; mô hình nuôi bò nhốt chuồng, nuôi cá, nuôi lợn; mô hình kinh doanh; chế biến nông sản... Hiện thu nhập bình quân 20 triệu đồng/hội viên/năm. Trong năm qua, Hội đã giúp 2 hộ hội viên thoát nghèo.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn xã. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong các khu dân cư, tạo động lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!