Theo đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, cả nước sẽ có số lượng lớn cán bộ, công chức nghỉ việc hoặc chuyển sang nhiệm vụ khác sau khi sáp nhập tỉnh, thành phố và kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện.
Nhiều khó khăn, thách thức cho người lao động dôi dư khi cuộc sống bước sang giai đoạn mới, nhưng đồng thời mở ra nhiều cơ hội, hướng đi mới cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách sau khi tinh giản.
Thích nghi với hoàn cảnh mới, những người trong độ tuổi lao động, cán bộ trẻ có thể học nghề, tìm công việc phù hợp để ổn định cuộc sống. Những cán bộ từng phục vụ trong bộ máy nhà nước có thể mang theo kinh nghiệm quản lý, kỹ năng tổ chức, hiểu rõ các chính sách, tài nguyên từ các nguồn lực để khai thác và bắt tay vào khởi nghiệp, lập nghiệp.
Người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở còn nhiệt huyết, hiểu rõ địa bàn, vùng đất, sẽ có cơ hội, lợi thế để phát triển sản xuất, làm kinh tế hiệu quả hơn.
Trong những năm qua, kinh tế-xã hội các tỉnh miền trung, Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình kinh tế, liên kết sản xuất mang lại hiệu quả, được nhân rộng ở các vùng, miền. Ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là vùng biển và khu vực miền núi, vẫn còn nhiều dư địa cho khởi nghiệp, lập nghiệp và nhiều tiềm năng để người lao động mở hướng đi mới có tính đột phá cao.
Vùng biển miền trung có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, đóng vai trò kết nối giữa hai miền nam-bắc và là khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế biển. Nhiều địa phương có các di sản văn hóa đặc sắc, có các bãi biển đẹp... là dư địa để khởi nghiệp, lập nghiệp như đa dạng các dịch vụ, sản phẩm du lịch, homestay, tour khám phá thiên nhiên… mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế biển vùng, miền.
Ở vùng núi các tỉnh miền trung, Tây Nguyên vẫn còn nhiều dư địa về chính sách, tài nguyên cho người trẻ “bắt tay” khởi nghiệp. Nhiều chính sách của bộ, ngành Trung ương về phát triển kinh tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khởi nghiệp, vốn vay, chương trình OCOP… sẽ là đòn bẩy trợ lực cho người lao động có ý chí, quyết tâm đổi mới.
Để phát huy nguồn nhân lực quý giá là đội ngũ cán bộ, người lao động nghỉ việc, dôi dư sau quá trình sắp xếp bộ máy, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần có nhiều biện pháp đồng bộ để hỗ trợ người lao động có cơ hội làm việc, hình thành việc làm mới từ các dư địa chính sách, tài nguyên hiện có.
Những chính sách, chương trình hành động, khuyến khích hình thành việc làm, khởi nghiệp, khai thác dư địa, tiềm năng tùy vào thực tế của từng địa phương cần được đẩy mạnh và sớm thực hiện.
Cần hỗ trợ thông tin, giới thiệu các chương trình vay vốn ưu đãi, kế hoạch kinh doanh và kết nối với các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp cùng các chương trình, hành động cụ thể triển khai từ cơ sở sẽ trợ lực cho người lao động nghỉ việc, dôi dư sau quá trình sắp xếp bộ máy.
Sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, các địa phương cần nhanh chóng triển khai giải pháp đồng bộ và nhân văn để hỗ trợ cán bộ công chức nghỉ việc.
Hơn lúc nào hết, người lao động dôi dư cần chủ động, đổi mới tư duy để thích nghi và tạo lập hướng đi mới từ dư địa chính sách, nguồn lực, tài nguyên ở cơ sở, từ đó chắc chắn sẽ tạo ra những làn sóng tích cực, thúc đẩy sự phát triển ổn định, vững bền.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!