Sao phải ngại Thái Lan khi những ngày sợ hãi đã qua?

Khi Việt Nam chỉ kết thúc với ngôi nhì bảng và đụng độ Thái Lan ở bán kết, tâm lý lo lắng bắt đầu len lỏi vào tâm trí nhiều người. Nhưng khi Những chiến binh Sao Vàng sẵn sàng đương đầu, sao chúng ta phải sợ?

Đội tuyển Việt Nam trong chiến thắng 4-0 trước Campuchia tối Chủ nhật 19/12. (Ảnh: VFF)

Thật ngạc nhiên khi câu chuyện “nhất bảng để né Thái Lan” lại được đặt ra. Càng ngạc nhiên nếu ai đó cảm thấy lo lắng về 1 kịch bản tồi tệ ở bán kết, bởi đối thủ là Thái Lan. 

Có vẻ tất cả đã quên buổi tối bùng nổ cảm xúc 2 năm trước, khi Việt Nam đánh bại Thái Lan với đầy đủ binh hùng tướng mạnh ngay trên đất Thái, trong 1 giải đấu là niềm tự hào của họ. Hôm ấy toàn bộ “Bầy voi chiến” đã đi hết 4 góc sân để xin lỗi khán giả nhà, trong khi tờ Siamsport mô tả thất bại trước Việt Nam là “cú sốc cho toàn dân tộc”, và “Việt Nam đã làm tan vỡ giấc mơ người Thái”.

Tất cả cũng đã quên, HLV Park Hang-seo bình thản nói trong phòng họp báo ở sân Chang Arena, rằng “thắng Thái Lan không phải cột mốc lớn”. Với ông, Thái Lan không đặc biệt hơn các đối thủ khác. Nhiệm vụ của đội tuyển chỉ là giành chiến thắng. 

Sau đó ít lâu, chiến lược gia người Hàn Quốc tuyên bố “từ nay chúng ta không có gì phải e ngại người Thái” với chiến thắng 4-0 của U23 Việt Nam trước Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á 2020. Trong đội hình chiến bại lúc ấy có cả Supachok, Supachai và Worachit hiện đóng vai trò chủ chốt ở AFF Cup 2020. Và những người làm nên chiến thắng bên phía Việt Nam là Hoàng Đức, Quang Hải, Tấn Tài, Thành Chung, Đình Trọng. Tái ngộ Thái Lan lần này, thử hỏi họ có sợ không?  

Có một thời gian chúng ta luôn e ngại người Thái. Thái Lan là đích ngắm, là tiêu chuẩn mà Việt Nam hướng đến. Vì vậy ở mọi giải đấu, chúng ta vừa đá vừa nhìn người Thái. Nhiệm vụ hàng đầu là né Thái Lan trước khi nghĩ về ngôi vô địch. Ngay cả khi đánh bại Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2008, nỗi sợ hãi vẫn còn đó. Ai cũng hiểu chiến thắng đó mang tính thời điểm, và Thái Lan vẫn là số 1 ở Đông Nam Á.

Những ngày ấy đã qua. Sự sợ hãi đã chuyển qua người Thái. Ở trận đấu tại Chang Arena tại King’s Cup 2019, Thái Lan chơi với tâm lý lo lắng thua trận, không dám đẩy cao trước khi nhận đòn trừng phạt của Anh Đức. Trong khi đó, đội quân của HLV Park Hang-seo chứng tỏ bản lĩnh trước áp lực, tự tin cao độ và khát khao chiến thắng. 

Danh thủ Nguyễn Hồng Sơn, người từng nhiều lần đối mặt với Thái Lan cũng đã ngợi ca lứa cầu thủ hiện tại sở hữu tâm lý thi đấu đáng ngưỡng mộ, đồng thời nhận thấy sự khác biệt bên phía Thái Lan. Thời của anh, người Thái không bao giờ thận trọng và âu lo đến vậy.

“Bầy voi chiến” tiếp tục duy trì cách tiếp cận thận trọng ấy trong 2 lượt trận khuôn khổ vòng loại World Cup 2022, trong đó có trận lượt về ở Mỹ Đình mà Việt Nam 2 lần đưa được bóng vào lưới thủ môn Kawin nhưng đều bị trọng tài từ chối. Khi không thể tiến vào vòng loại cuối, báo chí Thái Lan đã chỉ ra sai lầm lớn nhất của đội tuyển là quá chú tâm đến Việt Nam, để rồi mất điểm ở những trận đấu khác. 

Có thể hiểu tâm lý tự ti khó có thể mất ngay được, để rồi ngay cả khi Việt Nam vô địch, bóng ma Thái Lan vẫn cứ lởn vởn. Nhiều người vẫn không đánh giá cao chiếc Cúp AFF Cup 2018 bởi trên hành trình ấy không có Thái Lan. Nhưng nên nhớ năm đó đội quân của HLV Park Hang-seo không né Thái Lan. Họ đã chờ Bầy voi chiến ở chung kết, chỉ có điều đối phương lại gục ngã ở bán kết. Giống như tại SEA Games 2019, Thái Lan thậm chí không thể tiến vào vòng trong khi ở chung bảng cùng U23 Việt Nam. 

Bây giờ ở AFF Cup 2020, sẽ rất tuyệt nếu chạm trán Thái Lan ở chung kết. Nhưng khi nó đến sớm hơn, không sao cả. Đó là dịp để Việt Nam chứng minh 1 lần nữa, chúng ta đang ở 1 kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Thái Lan không còn là nỗi ám ảnh.  

Vì vậy, đừng cố đi ngược tiến trình bằng nỗi sợ hãi. Xin nhắc lại, những ngày ấy đã qua.  

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới