Thận trọng với dịch bệnh bạch hầu

Hiện nay, dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh Tây Nguyên và có nguy cơ lây lan sang một số tỉnh lân cận. Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tính đến chiều 12/7, đã có 78 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó 3 trường hợp tử vong. Đặc biệt, trong số đó, có 26 ca không có biểu hiện bệnh, được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc. Để hiểu rõ hơn về dịch bệnh này, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Kim An, Giám đốc Sở Y tế. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 

Bác sỹ Trạm Y tế xã Mường Bang (Phù Yên) kiểm tra sức khỏe cho trẻ em.

Ảnh: Trường Sơn

 

PV: Xin đồng chí cho biết: Tác nhân, triệu chứng và biến chứng của bệnh bạch hầu?

Đ/c Giám đốc Sở Y tế: Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên. Bệnh thường găp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu, do chưa tiêm vắc-xin đầy đủ. Vi khuẩn thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản), tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố, gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bệnh bằng vắc-xin.

Vi khuẩn bạch hầu không di động, không có vỏ, không tạo nha bào. Trực khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ mắc bệnh, áo choàng của nhân viên y tế... Vi khuẩn bạch hầu chết ở nhiệt độ 58oC trong vòng 10 phút, dưới ánh sáng mặt trời vi khuẩn chết trong vài giờ. Bệnh bạc hầu thường gặp nhiều nhất là bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3-8%)...

Bạch hầu họng, có thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày, không có triệu chứng lâm sàng. Ở thời kỳ khởi phát, người bệnh đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, thường sốt 37,5oC, sổ mũi một bên hoặc 2 bên có thể lẫn máu. Họng hơi đỏ, a-my-dan có điểm trắng mờ dạng giả mạc ở một bên. Sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.  Thời kỳ toàn phát, vào ngày thứ 2, 3 của bệnh, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều; người bệnh sốt 38oC, chán ăn, mạch nhanh, huyết áp hơi hạ. Hạch góc hàm sưng đau. Bệnh nhân sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ.

Đối với bạch hầu ác tính, có thể xuất hiện sớm ngày 3-7 ngày đầu của bệnh. Bệnh cảnh nhiễm trùng C, giả mạc lan rộng, khắp hầu họng và môi. Hạch nhiễm độc nặng sốt cao 39-40oC, cổ sưng to, biến dạng dẫn đến hình cổ bạnh, có nhiều biến chứng sớm viêm cơ tim, suy thận và tổn thương thần kinh.

Ít gặp bạch hầu thanh quản đơn thuần, thường là bạch hầu họng - thanh quản. Người bệnh viêm thanh quản cấp (ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở, chậm thì hít vào, có tiếng rít thanh quản) giai đoạn muộn sẽ dẫn đến ngạt thở.

PV: Phương pháp chữa trị bệnh bạch hầu thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Giám đốc Sở Y tế: Cần phát hiện sớm, cách ly khi phát hiện ca bệnh. Sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh ngay (penicillin G, erythromycin, azithromycin) để ngăn chặn các biến chứng. Đặc biệt, cần theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng, cũng như phải chăm sóc toàn diện cho người bệnh.

PV: Đồng chí có khuyến cáo gì cho người dân để phòng ngừa bệnh bạch hầu?

Đ/c Giám đốc Sở Y tế: Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, không nên chủ quan, cần tăng cường công tác tiêm chủng và triển khai các biện pháp truyền thông, phòng bệnh phù hợp tại các địa phương.

Biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin bạch hầu. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc-xin đa giá như: Bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1 ml, cách nhau 1 tháng. Một năm sau, tiêm nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến khi 5 tuổi.

Để phòng ngừa lây nhiễm bệnh bạch hầu, người tiếp xúc với bệnh nhân, cần xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong 7 ngày để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được đưa vào bệnh viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh. Bên cạnh đó, nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh cần được tẩy uế và sát khuẩn. Ngoài ra, người dân cần rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hồng Luận (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới