Tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh dại

Mùa hè thời tiết nắng nóng là thời điểm bệnh dại có nguy cơ bùng phát và lây lan, gây nguy hiểm đến sức khỏe cho người dân. Để chủ động phòng chống bệnh dại, các ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

 

 

Người dân Thành phố tiêm phòng bệnh dại.

 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 8.472 người bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc-xin phòng dại; 4 huyện Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã có 6 ca mắc dại. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2.537 người phải tiêm vắc-xin phòng dại. Nhiều người bị các vết thương ở tay, chân, thân và cả những vết cắn ở đầu, mặt, cổ. Có 74 người bị vết thương mức độ nguy cấp phải tiêm ngay huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại.

 

Bác sỹ Nguyễn Thị San, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Bệnh dại là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại. Hầu hết trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường từ 2 đến 8 tuần, có thể khoảng 10 ngày hoặc 1 - 2 năm. Hiện nay, do biến đổi khí hậu nên vi-rút dại cũng biến đổi. Những con vật mắc dại hiện nay chủ yếu ở thể bại liệt (thể câm) không có biểu hiện rõ ràng như thể điên cuồng nên khó phát hiện. Bệnh dại cũng không chỉ có ở vùng nóng như trước đây mà còn xuất hiện ở các vùng có khí hậu lạnh, vùng cao, vùng sâu. Bệnh dại có thể phòng tránh được khi người bị chó dại cắn hoặc những người có nguy cơ phơi nhiễm vi-rút dại (như cán bộ thú y, người giết mổ gia súc, người đến các khu vực đang có dịch bệnh dại...) tiêm vắc-xin phòng bệnh.

 

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta đã có 27 trường hợp tử vong do bệnh dại ở 11/12 huyện, thành phố, trong đó 70% số ca tử vong là trẻ em; tỉnh ta là một trong 14 tỉnh có nguy cơ lây truyền bệnh dại cao nhất cả nước. Vì vậy, để giảm thiểu các trường hợp tử vong do bệnh dại, tỉnh ta đã đặt các điểm tiêm phòng dại tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và cung cấp đủ số vắc xin, huyết thanh kháng dại đáp ứng yêu cầu điều trị dự phòng cho người dân. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

 

Anh Lường Văn Chuyên, tổ 15, phường Quyết Thắng, Thành phố, chia sẻ: Cách đây 5 ngày, tôi bị chó cắn, sau đó con chó này chết. Tôi đã chủ động đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm phòng, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Mặc dù sau khi tiêm phòng, tôi cảm thấy mệt nhưng yên tâm hơn vì không còn lo bệnh dại phát tác.

 

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Thị San cho biết: Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại vắc-xin, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. 100% trường hợp tử vong do bệnh dại là các trường hợp không tiêm vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay, người dân có thể tiêm vắc-xin phòng dại tại trung tâm y tế huyện, thành phố hoặc các trung tâm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn thành phố. Từ năm 1992, nước ta đã dùng vắc-xin Verorab để tiêm phòng ngừa bệnh dại ở trẻ em và người lớn

 

Nhằm tăng cường phòng chống bệnh dại, hạn chế thấp nhất các ca tử vong, các ngành chức năng đã tăng cường hoạt động truyền thông trên loa truyền thanh xã, bản, trực tiếp xuống cơ sở tổ chức các buổi họp dân tại cộng đồng nói về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng bệnh; khuyến cáo người dân nên tiêm phòng đầy đủ và không thả rông chó mèo, nhất là các khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân vẫn có thói quen thả rông chó, mèo và chưa thật sự quan tâm tới vấn đề tiêm phòng, chống bệnh dại; Trung tâm y tế 12 huyện, thành phố đã phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức tập huấn cho 960 học viên là cán bộ giáo trên địa bàn toàn tỉnh về công tác phòng chống bệnh dại tại học đường; cấp phát hàng nghìn băng zôn, tờ rơi, áp phích về phòng chống bệnh dại cho trạm y tế các xã...

 

Hiện, ngành Y tế đã thành lập 5 đoàn giám sát, truyền thông về việc phòng, chống bệnh dại tại các huyện: Sông Mã, Sốp Cộp, Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu, Quỳnh Nhai; đồng thời, tiếp tục thành lập các đoàn công tác giám sát triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại như: Truyền thông, kiểm soát về bệnh dại..., góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân, chung tay thực hiện tốt việc phòng, chống bệnh dại, đảm bảo sức khỏe nhân dân.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới