Trên đường về xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp bây giờ, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là hình ảnh những bản làng trù phú, yên bình bên những tán rừng xanh ngút ngàn. Để có được màu xanh ấy, đã nhiều năm nay, nhân dân các dân tộc trong xã đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, cùng nhau gìn giữ và bảo vệ rừng.
Tổ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng bản Cang phát dọn thực bì diện tích rừng tự nhiên.
Với người dân Nậm Lạnh, trồng và phát triển rừng là một hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế. Toàn xã có 762 hộ thì hơn 50% số hộ đang phát triển kinh tế từ rừng. Chẳng thế mà công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm, thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua. Anh Tòng Văn Piêng, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh, nói với chúng tôi: Là xã vùng cao biên giới, với 14 bản, 2 điểm dân cư; 6.153 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, gồm cả rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Rút kinh nghiệm từ những mùa hanh khô trước, khi các hộ dân bước vào mùa làm nương, xã tăng cường các giải pháp bảo vệ rừng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, lực lượng chức năng xã luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện phòng cháy chữa cháy rừng; phân công cán bộ trực 24/24 giờ; tăng cường tuần tra, cảnh báo lửa rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy của chủ rừng, nhất là các bản giáp ranh với địa bàn xã khác; hạn chế hiện tượng di cư tự do, săn bắn, đốt ong trong rừng...
Chúng tôi đến thăm bản Cang, đây là một trong những bản thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của Nậm Lạnh. Cả bản hiện có 99 hộ, cánh rừng cộng đồng trên 200 ha của bản luôn được chăm sóc, bảo vệ tốt nhờ người dân thường xuyên phát dọn thực bì. Các hộ dân ý thức cao trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, họ tự giác vào cuộc với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, như chủ động tuần tra, kiểm tra rừng, thường xuyên trao đổi thông tin với cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn... Nhờ đó, bản Cang luôn được đánh giá cao trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Ông Tòng Văn Thủy, Bí thư Chi bộ bản, thông tin: Bản đã thành lập 6 tổ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, các tổ này thường xuyên vận động bà con chấp hành nghiêm các quy định về làm đường băng cản lửa, tuân thủ thời gian đốt nương theo quy định nhằm tránh gió mạnh khiến lửa cháy lan, giám sát chặt chẽ quá trình đốt nương. Bên cạnh đó, khuyến khích những hộ được giao khoán bảo vệ rừng thường xuyên phát dọn thực bì nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi có cháy rừng.
Nậm Lạnh là địa bàn rộng, độ dốc lớn, hiểm trở; nhận thức của một số bộ phận người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng chưa cao; đầu tư phương tiện phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu là các dụng cụ phòng cháy chữa cháy thô sơ, dao, xẻng, cuốc, can đựng nước, bình phun đeo vai... Do vậy, ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với từng địa bàn; thành lập 14 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR, với 122 người tham gia, lấy lực lượng thanh niên, dân quân làm nòng cốt; các lực lượng công an xã, cán bộ lâm nghiệp phối hợp tốt với kiểm lâm địa bàn hướng dẫn, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; quan tâm công tác xác định, khoanh vùng những khu vực trọng điểm, dễ xảy ra cháy tại các bản: Lạnh Bánh, Hua Lạnh, bản Cang, Cang Kéo, Huổi Hịa, Púng Tòng, Nà Han..., tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; khảo sát các hộ dân sống ven rừng, vận động ký cam kết thực hiện quy ước bảo vệ rừng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhiều năm gần đây trên địa bàn xã không xảy ra vụ phá rừng và cháy rừng nào.
Điều rút ra từ công tác bảo vệ rừng ở Nậm Lạnh, đó là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã và nhận thức của mỗi người dân trong xã, họ coi công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là nghĩa vụ của mình; xác định việc bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình để mang lại cuộc sống ngày một ấm no hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!