Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Ký ức thời hoa lửa

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (cũ) vẫn khắc sâu trong tâm trí những người lính từng đi qua làn ranh sinh tử. Với họ, mảnh đất ấy không chỉ là chiến trường, còn là nơi tuổi thanh xuân được gửi lại để đổi lấy từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Giọng nữ

Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (cũ) nay đã phủ xanh cây lá.
Những ngọn đồi của chiến trường năm xưa, nay đã được phủ xanh bởi những cánh rừng

Tháng Bảy, tháng của tri ân và hoài niệm, tôi may mắn được cùng Đoàn Cựu chiến binh trong Ban Liên lạc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên tỉnh Sơn La thăm lại chiến trường xưa. Giữa trập trùng đồi núi, tiếng chuông ngân lên giữa không gian linh thiêng tại Nhà tưởng niệm thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (cũ), càng khiến những người có mặt thêm bồi hồi, xúc động, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ còn nằm lại nơi đây.

Những đồng đội năm xưa kính cẩn trước anh linh của những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại mặt trận Vị Xuyên năm xưa

Điểm cao 468, nơi chúng tôi ghé thăm, từng là một trong những điểm nóng, khốc liệt nhất mặt trận năm ấy. Từ đây, có thể nhìn thấy cao điểm 772, 685, và đỉnh 1509, nơi đánh dấu đường phân giới giữa hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc.

Nơi này bây giờ đã trở thành Khu Đền thờ liệt sĩ rộng hơn 1.100m², gồm nhà tưởng niệm, đường lên nhà bia, nhà sắp lễ và các công trình phụ trợ khác, không chỉ là điểm đến tâm linh, còn là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Khu vực nhà tưởng niệm tại điểm cao 468, điểm nóng khốc liệt nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

Dừng chân trước dòng chữ thiêng liêng được khắc trên báng súng: “Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử.” Đó là lời thề của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, anh đã ngã xuống vào ngày 29 Tết năm 1985. Câu nói ấy đã trở thành lời thề bất tử trong tâm khảm của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Vị Xuyên khi đó.

Những người đồng đội năm xưa xúc động khi được gặp lại nhau

Lặng lẽ lau giọt nước mắt, Đại tá Điêu Khắc Trượng, Trưởng Ban liên lạc CCB mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên tỉnh Sơn La, nghẹn ngào nhớ lại: Sau cuộc tấn công ngày 17/2/1979, khi hơn 60 vạn quân Trung Quốc tràn vào 6 tỉnh biên giới, dù thất bại, quân địch vẫn liên tiếp lấn chiếm, phá hoại. Từ tháng 4/1984 đến tháng 10/1989, Vị Xuyên trở thành chiến trường ác liệt nhất kể từ sau ngày đất nước thống nhất năm 1975.

Những cái bắt tay thật chặt của những người từng cùng nhau "vào sinh ra tử" .

Những địa danh như: Trận địa 468, đồi Đài Quan Sát, cao điểm 685, 772, suối Thanh Thủy hay Ngã ba cửa tử… nay đã phủ rêu xanh, nhưng với những người cựu chiến binh, nơi đó vẫn còn vọng lại tiếng cười tuổi đôi mươi, tiếng pháo rền dữ dội và những giọt nước mắt tiễn đưa đồng đội giữa đêm không trăng.

Ông Nguyễn Đức Minh, xã Yên Châu, tỉnh Sơn La, bồi hồi nhớ lại: Ngày đó, quân địch nã pháo không ngừng nghỉ, chúng bắn phá vô cùng ác liệt, tôi cùng các đồng đội luôn phải ẩn mình trong các khe đá trên cao để có thể quan sát và tiến hành tấn công. Ngoài đạn pháo địch bắn, chúng tôi còn phải đối mặt với độ cao hiểm trở của vực đá, bất cẩn một chút là có thể rơi xuống vực sâu bất cứ lúc nào.

Những vách đá và khe nứt là nơi ẩn nấp của các cán bộ, chiến sĩ trong những trận đánh tại chiến trường Vị Xuyên

Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên là “tọa độ đỏ” trong suốt hơn một thập kỷ chiến đấu. Trên 4.100 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống nơi đây. Máu của họ đã hòa vào lòng đất mẹ, tô thắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”, viết nên bản trường ca bất tử giữa thời bình. Giờ đây, Đền thờ các liệt sĩ Vị Xuyên trở thành điểm đến thiêng liêng trong hành trình “về nguồn”, là nơi thế hệ hôm nay cúi đầu tri ân, học cách yêu Tổ quốc bằng lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Chiều buông chậm trên biên giới Hà Giang. Mây trắng bảng lảng trôi ngang rặng Tây Côn Lĩnh, gió rì rào lướt qua rừng thông thẳng tắp như những hàng quân đang nghiêm trang đứng gác. Trước mắt tôi là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, nơi có hơn 1.800 phần mộ liệt sĩ được quy tập thẳng lối, thẳng hàng.

Một phút mặc niệm đầy xúc động của những người lính năm xưa dành cho những người đồng đội còn nằm lại.

Người ta gọi nơi đây là “nghĩa trang biết nói” bởi mỗi tấm bia, mỗi dòng tên đều là một trang sử thầm lặng, là một tuổi thanh xuân gửi lại núi rừng. Có ngôi mộ đã được gọi tên, có ngôi còn đề hai chữ "vô danh", nhưng trong tim đồng đội và đất mẹ, họ đều là những anh hùng bất tử.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - Nơi an nghỉ của các liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Chúng tôi nhẹ bước chân giữa những hàng mộ. Bàn tay của những cựu chiến binh run run cắm nén nhang, chạm nhẹ lên bia mộ như đang đánh thức một ký ức chưa kịp ngủ yên. Có giọt nước mắt rơi lặng, có câu chuyện chưa kể hết và có cả những lời thầm thì gửi vào gió.

Ông Nguyễn Đắc Tĩnh, phường Tô Hiệu, TP Sơn La, nghẹn ngào: Những đồng đội tôi nằm lại nơi đây khi còn rất trẻ… Trận địa năm xưa quá đỗi khốc liệt. Mỗi quả đồi như một hố bom sống, đạn pháo bắn phá nhiều tới mức, những mảnh pháo nằm la liệt trải kín cả đỉnh đồi. Xe chở bộ đội lặng lẽ đi trong đêm, không đèn. Bộ đội hành quân thì không tiếng vì chỉ cần một ánh sáng, một tiếng động là hứng ngay mưa pháo từ bên kia biên giới. Căng thẳng đến nghẹt thở, nhưng chúng tôi chưa khi nào run sợ. Chúng tôi trở về đây không để nhắc lại chiến công, mà để kể với thế hệ sau rằng: Có một thời thời hoa lửa, một thời bất tử…

Cựu chiến binh thắp hương phần mộ đồng đội đang nằm lại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên 
Đoàn Cựu Chiến binh trong Ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên tỉnh Sơn La thắp hương phần mộ đồng đội.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tháng năm oanh liệt của một thời trai trẻ vẫn cháy mãi trong ký ức của những người lính năm xưa. Họ trở về giữa thời bình, mang theo trong tim những bóng hình đồng đội, những nỗi đau chưa nguôi và những lời thề chưa từng quên lãng.

Đoàn Cựu Chiến binh trong Ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên tỉnh Sơn La nói chuyện cùng thế hệ trẻ tỉnh Tuyên Quang (mới).

Mặt trận Vị Xuyên năm xưa, nay xanh màu cây lá. “Ký ức thời hoa lửa” không chỉ là hồi ức của một thế hệ, mà là bản anh hùng ca thấm đẫm máu, nước mắt và tình yêu Tổ quốc. Ngọn lửa ấy được thắp lên từ lòng dũng cảm và niềm tin, sẽ tiếp tục cháy mãi trong lòng thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới