Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Sức sống từ những làn điệu dân ca

Vùng đất Thuận Châu xưa được biết đến với tên gọi Mường Muổi, là nơi cư ngụ lâu đời của đồng bào dân tộc Thái đen, nổi tiếng với kho tàng văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những giá trị văn hóa ấy vẫn đang được bà con gìn giữ, phát huy và truyền lại cho nhiều thế hệ.

Giọng nữ
Người cao tuổi xã Thuận Châu biểu diễn làn điệu dân ca truyền thống.

Với hơn 85% dân số là đồng bào dân tộc Thái, văn hóa dân gian, nhất là dân ca Thái, đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của đồng bào nơi đây. Những câu hát, điệu múa dân gian không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa, mà còn là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng, lan tỏa tình yêu quê hương bản mường trong từng lời ca, tiếng hát. Bởi vậy, ở hầu hết mỗi cộng đồng, làng bản đều sản sinh ra không ít giọng hát dân ca ngọt ngào, đằm thắm. Trong số đó, nổi bật là nhà thơ, nghệ nhân dân gian Lò Thanh Xuân ở bản Lè, người đã sáng tác ra hàng trăm bài thơ và dân ca Thái, được sử dụng rộng rãi khắp vùng Thuận Châu.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng và hành trình gắn bó với dân ca, ông Lò Thanh Xuân cho biết: Từ nhỏ, được bố truyền dạy những áng thơ viết bằng chữ Thái, giúp tôi nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc với trường ca Thái cổ. Năm 1986, tôi bắt đầu sáng tác thơ, dân ca và truyền dạy hát Thái cho hàng trăm hạt nhân văn nghệ của các bản trong xã, với mong muốn xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ của Thuận Châu phát triển sôi nổi.

Toàn xã Thuận Châu hiện có trên 150 đội văn nghệ ở 75 tổ, bản, mỗi đội có từ 8-15 thành viên ở các lứa tuổi, chủ yếu là nông dân, hội viên phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi... Ban ngày, họ tham gia lao động sản xuất; tối đến lại tập trung tại nhà văn hóa, cùng nhau tập luyện những tiết mục văn nghệ truyền thống, để biểu diễn trong các dịp lễ, tết, chương trình giao lưu giữa các bản, xã.

Đến bản Pán, dễ dàng cảm nhận được không khí văn hóa sôi nổi và sự gắn bó của người dân với các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống. Từ các em nhỏ đến người cao tuổi, ai cũng hào hứng khi được hát, múa, tham gia biểu diễn. Chị Lường Thị Thảo, đội văn nghệ thanh niên bản Pán, chia sẻ: Tôi  tham gia đội văn nghệ từ khi còn học THCS. Lớn lên, tôi càng thấy yêu hơn những điệu múa xòe, khắp Thái của dân tộc mình. Được biểu diễn những bài dân ca là niềm tự hào không chỉ của riêng tôi, mà của cả thế hệ trẻ trong bản. Chúng tôi mong muốn tiếp nối, gìn giữ những giá trị văn hóa quý giá mà ông bà để lại.

Xác định xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là nền tảng cho phát triển bền vững, xã Thuận Châu luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, phục vụ các hoạt động tập luyện, biểu diễn văn nghệ của bà con nhân dân. Hiện nay, 100% các bản, tiểu khu đều có nhà văn hóa; hỗ trợ các đội văn nghệ cơ sở mua loa, trang phục, đạo cụ.

Ông Đỗ Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Châu cho biết: Xã Thuận Châu được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Thuận Châu và các xã Chiềng Ly, Chiềng Pấc, Tông Lệnh, Thôm Mòn, trở thành một trong những địa phương có phong trào văn hóa văn nghệ rất mạnh, với nhiều đội văn nghệ cơ sở hoạt động sôi nổi. Xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, hướng dẫn sưu tầm, bảo tồn các làn điệu cổ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hạt nhân văn nghệ cơ sở. Đồng thời, phát huy vai trò đội ngũ nghệ nhân dân gian trong việc truyền dạy dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ, gắn kết phong trào văn nghệ với phát triển du lịch cộng đồng.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và ý thức giữ gìn văn hóa trong từng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, phong trào văn hóa, văn nghệ ở Thuận Châu đang thực sự trở thành động lực tinh thần quan trọng, tạo nên bản sắc riêng có, góp phần xây dựng nông thôn mới giàu bản sắc và phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Những làn điệu dân ca Thái vang lên khắp Mường Muổi, như mạch nguồn bền bỉ sống mãi với thời gian.

Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới