Gieo “con chữ nảy mầm” nơi vùng cao Phá Thóng

Lên bản vùng cao Phá Thóng của xã Mường Và, huyện Sốp Cộp thật gian nan. Nơi đây nổi tiếng có những ngọn núi chọc trời, thời tiết khắc nghiệt và những tuyến đường gập ghềnh xuyên rừng, lên dốc... Song, những khó khăn đó, không cản được bước chân những thầy giáo, cô giáo nhiệt huyết “cõng chữ” lên non.

Một góc bản Phá Thóng.

           

Dậy từ 5h sáng, chuẩn bị những thứ cần thiết cho chuyến xuyên rừng đến Phá Thóng. Thầy giáo Trần Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú, tiểu học và THCS Nà Khoang (Mường Và), nhắc chúng tôi: Ở vùng thấp, cuối thu trời mát mẻ, nhưng lên đó lạnh lắm, nhớ mang theo áo rét. Hơn nữa, hôm qua trời vừa mưa xong, đường rất khó đi, nên 2 người đi một xe để hỗ trợ nhau!

           

6h sáng, đoàn xuất phát từ trung tâm xã Mường Và, được khoảng 2 cây số đường bê tông, chúng tôi rẽ vào tuyến đường đất trơn trượt, đầy bùn, nước và “ổ trâu”, “ổ gà”. Ngồi sau xe Thượng úy Vàng A Pó, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, là người đã quá quen với đường sá nơi này, nên tránh được những chỗ khó đi rất thành thục. Anh Pó, nói: Đoạn này vẫn còn dễ, lát nữa lên cao sẽ khó đi hơn nhiều. Quả thật, càng lên cao, con đường càng thử thách tay lái. Nhiều đoạn vắt ngang lưng chừng núi, rồi có đoạn như muốn lao xuống khe suối, những con dốc “chồn vó ngựa”. Nhiều đoạn phải xuống đẩy xe, đi bộ, bởi đường chênh vênh nguy hiểm một bên là núi, một bên là vực thẳm.

           

Trong đoàn lên Phá Thóng, có cả lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến dự khai giảng lớp xóa mù chữ. Sau gần 3 giờ đồng hồ “đánh vật” với đường, chúng tôi cũng đến nơi. Bản Phá Thóng, nằm ở độ cao gần 1.300 m so với mực nước biển, được chia làm 3 nhóm hộ, mỗi nhóm nằm ở 3 đỉnh núi khác nhau.

           

Lớp xóa mù chữ của Thiếu tá Lò Văn Phích.

           

Gần 9h, nhưng ánh nắng mặt trời chưa thể xuyên qua lớp sương mù giăng kín khắp các đỉnh núi. Đón chúng tôi có Bí thư chi bộ bản Hạng A Sênh và rất đông bà con dân bản tập trung để chuẩn bị khai giảng lớp xóa mù chữ. Anh Sênh, nói: Bản có 69 hộ, gần 300 nhân khẩu, nhưng có tới 50% số hộ nghèo, vẫn còn 61 người lớn chưa biết chữ. Người dân nơi đây, đang mong mỏi đường lên bản được nâng cấp, để thầy, cô giáo lên dạy chữ đi lại thuận lợi và bà con mang nông sản đi bán bớt vất vả.

           

Thiếu tá Lò Văn Phích, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, đã tham gia dạy 10 lớp xóa mù chữ cho hàng trăm người dân trong bản, nói: Xã Mường Và đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí hạn chế; số người mù chữ, tỷ lệ hộ nghèo cao; nhiều gia đình có đông con đi học, nên tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiềm ẩn, còn việc bồi dưỡng, xóa mù chữ cho người dân cũng gặp không ít khó khăn. Với mong muốn giúp bà con biết đọc, để tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, tôi đã kiên trì tự học tiếng dân tộc Mông để dễ truyền đạt cho bà con.

           

Chị Hàng Thị Sênh, học viên mới của lớp xóa mù chữ, phấn khởi: Cảm ơn bộ đội biên phòng và trường đã mở lớp xóa mù chữ cho dân bản. Chúng tôi sẽ cố gắng học để biết cái chữ.

           

Ngoài lực lượng biên phòng tham gia xóa mù chữ cho dân bản, ở bản Phá Thóng còn có 4 thầy, cô đang là giáo viên cắm bản, hàng ngày dạy chữ cho trẻ em nơi đây. Trò chuyện với các cô giáo điểm trường Phá Thóng (Trường mầm non Hoa Ban, xã Mường Và), chúng tôi cảm phục sự nỗ lực vượt khó để mang con chữ đến trẻ ở vùng cao này. Phụ nữ chân yếu, tay mềm là thế, vậy mà phải vật lộn với tuyến đường gập ghềnh để lên lớp.

           

Giờ thể dục của cô trò điểm trường mầm non Phá Thóng.

           

Cô giáo Hoàng Thị Loan, chia sẻ: Nhà tôi ở huyện Yên Châu, lấy chồng ở huyện Sốp Cộp và dạy học ở Mường Và từ năm 2007. Điểm trường có 50 học sinh mầm non các lứa tuổi. Bản này là một trong những điểm đi lại khó khăn nhất của xã, nên thường chiều Chủ nhật, chúng tôi lên trường và đến cuối ngày thứ 6 mới về nhà với chồng, con. Thời tiết ở đây mưa nắng thất thường, nên mỗi khi đến lớp mà gặp mưa là cả hành trình cực nhọc, hầu như lần nào đi dạy học cũng bị ngã. Việc sinh hoạt ở đây rất khó khăn, nhất là đối với phụ nữ, vì ở đây thiếu nước sinh hoạt, không có sóng điện thoại, quần áo thì cuối tuần mới mang về nhà giặt.

           

Chỉ sang ngọn núi phía đối diện, cô giáo Quàng Thị Thành, bảo: Muốn lấy nước thì phải đi bộ sang tận nhóm hộ bên đó. Ngoài gạo và rau bà con hỗ trợ, chúng tôi phải chuẩn bị thực phẩm từ nhà cho cả tuần. Dạy học ở đây, nếu trời mưa giáo viên phải đến tận nhà để đón các cháu lên lớp. Trình độ dân trí còn hạn chế, nên các cô phải thay phụ huynh chăm sóc các cháu.

           

Bao nỗi vất vả, nhưng vợ, chồng cô giáo Tòng Thu Hiền, giáo viên Trường PTDT bán trú, tiểu học và THCS Nà Khoang, vẫn xung phong lên đây để dạy chữ. Cô giáo Hiền, chia sẻ: Điểm trường có 16 học sinh lớp 1 và 14 học sinh lớp 2. Thấy học sinh ở đây gặp nhiều khó khăn so với vùng trung tâm, nên vợ chồng tôi thống nhất nhờ ông bà nội trông nom con nhỏ và quyết tâm lên đây dạy học. Trẻ vùng này nói tiếng phổ thông chưa sõi, nên việc dạy và học càng khó. Kết thúc mỗi năm học, trẻ đủ điều kiện để lên lớp là thành công, là niềm vui của chúng tôi.

           

Vùng cao Phá Thóng dân cư thưa thớt, sống không tập trung; địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa. Các điểm trường lẻ vùng cao hầu hết thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Đa số các cháu là con em dân tộc thiểu số, ít giao tiếp tiếng phổ thông, cha mẹ học sinh thường phó mặc việc chăm sóc, giáo dục trẻ cho nhà trường... Mặc dù vậy, việc “cõng chữ” lên non của các giáo viên nơi đây luôn đạt yêu cầu, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%.

           

Khó có thể nói hết những khó khăn và vất vả của những thầy cô giáo vùng cao, vượt lên gian khó, họ vẫn đang từng ngày cần mẫn ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh để gieo mầm cho những ước mơ. Bằng sự tận tâm, tận lực của mình, họ đã và đang gieo “con chữ nảy mầm” thêm tri thức cho học sinh đồng bào các dân tộc.

           

Rời Phá Thóng, chúng tôi hy vọng các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, doanh nhân và huyện quan tâm đầu tư để bê tông tuyến đường giúp thầy cô vơi bớt những nhọc nhằn và đáp ứng niềm mong mỏi của bà con vùng cao nơi đây. 

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới