Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Giọng nữ
Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.

Thực trạng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo kết quả thống kê của các huyện, thành phố, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2024 khoảng trên 450 tấn/ngày; trong đó, ở khu vực đô thị trên 220 tấn/ngày và nông thôn trên 230 tấn/ngày. Khối lượng được thu gom, xử lý trên 390 tấn/ngày, trong đó, tại đô thị gần 220 tấn/ngày và nông thôn trên 170 tấn/ngày. Còn lại trên 60 tấn/ngày do các hộ gia đình tự thu gom xử lý bằng các hình thức chôn lấp hoặc đốt thủ công.

Lãnh đạo Sở TN&MT giám sát việc thực hiện phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La là đơn vị trúng thầu thực hiện dịch vụ công ích thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn. Tại thành phố Sơn La, việc thu gom rác thải trên địa bàn các phường và mở rộng đến khu vực trung tâm các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần, Hua La, với tần suất thu gom từ 1-2 lần/ngày. Riêng khu vực tổ 7, phường Tô Hiệu, đang thực hiện thí điểm phân loại rác tần suất thu gom 3 lần/ngàyBên cạnh đó, Công ty cũng thực hiện thu gom rác tại khu vực thị trấn, thị tứ và trung tâm hành chính của các huyện.

Đối với khu vực nông thôn, có 76/188 xã đã hợp đồng với Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La thực hiện vận chuyển, thu gom rác về các khu, bãi chôn lấp tập trung để xử lý. Tần suất thu gom, vận chuyển từ 1-2 lần/tuần. Đối với các xã còn lại do điều kiện địa hình khó khăn, các hộ dân tự phân loại, xử lý chất thải với hình thức chủ yếu là chôn lấp, đốt thủ công theo quy mô hộ gia đình.

Hiện nay, toàn tỉnh có 12 khu xử lý chất thải rắn, tổng công suất khoảng 315 tấn/ngày, chủ yếu bằng hình thức chôn lấp; riêng huyện Bắc Yên xử lý bằng hình thức đốt và thành phố Sơn La kết hợp hình thức chế biến phân Compost.

Phân loại xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Qua đó, tiết kiệm chi phí về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý; góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, nếu chỉ phân loại tại nguồn mà không đồng bộ với việc lưu giữ, thu gom vận chuyển, xử lý thì việc phân loại không có hiệu quả và không có ý nghĩa nhiều trong thực tiễn.

Cán bộ Phòng Quản lý Môi trường, Sở TN&MT phối hợp với UBND phường Tô Hiệu tuyên truyền, hướng dẫn các hộ phân loại rác thải sinh hoạt.

Triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về thực hiện thí điểm phân loại rác tại thành phố Sơn La. UBND Thành phố đã triển khai thí điểm phân loại tại nguồn trên địa bàn 7 phường trong năm 2024; thành lập đoàn công tác đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng; tổ chức 3 cuộc làm việc với các phòng, ban, đơn vị và chỉ đạo UBND phường Tô Hiệu, Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La tuyên truyền, hướng dẫn phân loại xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tổ 7, phường Tô Hiệu.

Cán bộ Phòng TN&MT Thành phố hướng dẫn hộ dân tổ 7, phường Tô Hiệu, cách phân loại rác thải sinh hoạt.

Ông Vũ Văn Phúc, Phó trưởng Phòng TN&MT Thành phố, thông tin: Phường Tô Hiệu đã triển khai thống nhất thời gian địa điểm thu gom rác với đơn vị thu gom, lựa chọn tổ 7 là nơi thí điểm đầu tiên, bước đầu tạo được sự đồng thuận của 100% các hộ dân trên địa bàn. Kết quả thu gom khoảng 80-90 kg rác hữu cơ/ngày; khoảng 300 - 350 kg rác vô cơ/ngày. Hiện nay, Thành phố đang tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình phân loại rác tại các phường còn lại.

Bà Lường Thị Bó, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 7, phường Tô Hiệu, chia sẻ: Tổ đã phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La hướng dẫn nhân dân cách phân loại rác thải. Sau 2 tháng thực hiện, đến nay, mỗi gia đình đều bố trí một túi màu xanh đựng rác hữu cơ, một túi đựng rác vô cơ khó phân hủy. Phế liệu tái chế được hội viên Chi hội Phụ nữ thu gom, tập kết tại nhà văn hóa của tổ, bán gây quỹ.

Tại một số địa phương khác như huyện Mộc Châu, Mai Sơn cũng đã thực hiện thí điểm phân loại rác gắn với các phong trào thi đua 3 sạch: Sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ và phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, bước đầu tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Xây dựng, ban hành phương án giá dịch vụ

Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, do cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xử lý rác thải chưa được đầu tư, nhiều địa phương đang sử dụng khu vực chôn lấp rác thải tạm thời, chưa đáp ứng yêu cầu về xử lý rác thải; nhiều địa phương chưa quy hoạch điểm tập kết rác đảm bảo quy chuẩn môi trường. Đặc biệt là chưa có phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng nguyên tắc bảo vệ môi trường “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; tần suất thu gom và phạm vi thu gom mới diễn ra chủ yếu tại khu vực đô thị….

Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết thêm: Sở đang tập trung tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi Bộ TN&MT ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; có cơ chế sách hỗ trợ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác và các loại chất thải khác; hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, lưu giữ, điểm tập kết, trung chuyển và hệ thống xử lý nước thải, bãi chôn lấp.

Cán bộ Phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT giám sát việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Vân Hồ.

Sở TN&MT tập trung hướng dẫn các địa phương lựa chọn, bố trí quỹ đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các điểm tập kết, trạm trung chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; cân đối, bố trí vốn từ nguồn vốn đầu tư công để hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu xử lý tập trung trên địa bàn tỉnh và nguồn sự nghiệp để thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý; thực hiện ký cam kết từ UBND các huyện, thành phố đến các xã, phường, tổ, bản, tiểu khu và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn về thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cùng sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong việc thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới