Năm 2021, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Quân chủng Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho các loại phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật nhất là các loại tàu phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và vận tải..., góp phần quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “tiêu biểu, xuất sắc”.
Những ngày cuối năm, tôi theo chân Thiếu tá Phạm Đức Cường, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn xuống Quân cảng của Lữ đoàn để tham quan những con tàu đang neo đậu tại đây. Thiếu tá Cường hướng về các con tàu cho tôi biết: Để có được đội hình tàu sạch, đẹp và chính quy như thế này đòi hỏi từng cán bộ, chiến sĩ toàn Lữ đoàn phải thật sự yêu tàu, gắn bó với tàu và hết mình chăm sóc cho mỗi chi tiết trên tàu. Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn sâu sát, tỉ mỉ trong kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác kỹ thuật theo phân cấp. Đơn vị luôn khơi dậy tinh thần tích cực, tự giác trong khai thác và sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật của mỗi cá nhân để cùng thực hiện tốt công tác bảo quản, kiểm sửa để bảo đảm kỹ thuật ở đơn vị.
Được biết, năm 2021, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm kỹ thuật. Triển khai nghiêm túc chỉ lệnh công tác kỹ thuật trong năm và xây dựng kế hoạch thực hiện khoa học, hợp lý. Từng đơn vị phát huy tốt nội lực và tinh thần tích cực, tự giác của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong công tác bảo quản, kiểm sửa. Bảo đảm tính đồng bộ và nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật, củng cố nền nếp công tác kỹ thuật ở từng ngành và trên mỗi con tàu. Thực hiện nghiêm túc ngày, tuần, tháng kỹ thuật và nền nếp việc đăng ký sổ sách công tác kỹ thuật trong Lữ đoàn. Bảo đảm vật tư, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông. Thực hiện quy chế xây dựng tàu chính quy, mẫu mực một cách thực chất. Duy trì có hiệu quả Cuộc vận động 50 và hai khâu đột phá “Xây dựng nền nếp chính quy và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật”.
Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch 2288/KH-QLKTT của Cục Kỹ thuật Hải quân về xây dựng tiêu chí tàu “chính quy, mẫu mực” Lữ đoàn đã chỉ đạo xây dựng tàu chính quy, mẫu mực về bốn nội dung: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật. Chọn Tàu Trường Sa 19 làm mẫu cho dạng tàu vận tải trong toàn Vùng 2. Trên cơ sở kết quả xây dựng Tàu Trường Sa 19 về tiêu chí tàu chính quy, mẫu mực, Lữ đoàn đã xây dựng tiêu chí cho tất cả tám chủng loại tàu của đơn vị. Đây là nội dung được Vùng đánh giá cao.
Trong năm, Lữ đoàn đã bảo đảm kỹ thuật cho hàng trăm chuyến tàu, với hơn 1.000 ngày đêm hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn vũ khí, đạn cho tất cả các lượt bắn đạn thật theo kế hoạch. Cấp phát vật tư, trang bị theo quy định, đúng nguyên tắc. Hệ số kỹ thuật luôn vượt từ 3-5%. Công tác huấn luyện và tập huấn kỹ thuật thực hiện đúng kế hoạch, quân số tham gia đạt hơn 98%, kết quả kiểm tra 100% các nội dung đạt yêu cầu, trong đó có hơn 85% khá, giỏi. Thông qua huấn luyện, tập huấn giúp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác kỹ thuật ngày càng được củng cố và nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là trong làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới.
Đi tham quan các con tàu đang neo tại cảng, vừa đặt chân lên boong tàu dù là tàu cũ hay tàu mới, tôi cũng như nhiều người đều cảm nhận được sự gọn, sạch, ngăn nắp và sắp xếp khoa học. Cả một con tàu lớn nằm phơi nắng, phơi mưa, nhưng boong và vỏ sạch bóng, các loại dây neo, dây xích được bôi mỡ đen bóng... Đến từng ngóc ngách các con tàu từ buồng chỉ huy, buồng máy đến phòng ở, đi đến đâu cũng thấy các trang thiết bị kỹ thuật được giữ gìn như mới.
Trung tá Trần Lê Quân, Thuyền trưởng Tàu 501 chia sẻ: “Cán bộ, chiến sĩ toàn tàu luôn coi con tàu như ngôi nhà thứ hai của mình. Nhờ vậy mà mỗi người tự ý thức được vấn đề chăm sóc, bảo dưỡng ngôi nhà của mình sao cho sạch, đẹp. Từng người tự rèn cho mình ý thức giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật mọi lúc, mọi nơi. Mỗi cán bộ, chiến sĩ tự mình xây dựng kế hoạch lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng trong ngày, tuần và tháng. Cấp ủy, chỉ huy từng cấp gắn chất lượng bảo quản, bảo dưỡng với việc đánh giá kết quả rèn luyện của từng cá nhân. Hằng tháng, từng người tự kiểm điểm, đánh giá về kết quả hoàn thành kế hoạch của mình để có hướng khắc phục, sửa chữa ngày một tốt hơn”.
Tham quan phòng làm việc của cán bộ, nhân viên trên các con tàu, quan sát trên bảng công tác tuần, sổ đăng ký kế hoạch của từng người, được biết tuần nào cũng có nội dung thực hiện công tác kỹ thuật. Có nhiều đồng chí còn rất tỉ mỉ trong việc xác định biện pháp thực hiện và tìm ra nguyên nhân chưa làm được để làm tốt hơn trong thời gian kế tiếp.
Đại tá Võ Đình Chiến, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125 cho biết: “Đơn vị được giao quản lý một khối lượng lớn phương tiện kỹ thuật, tàu thuyền, nếu công tác kỹ thuật không được ưu tiên, coi trọng thì đơn vị không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Từ việc xác định được sự ưu tiên, coi trọng này mà năm nào cũng vậy, đơn vị chúng tôi luôn có vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền và sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ ý thức cao trong công tác bảo quản, bảo dưỡng, sáng tạo trong cải tiến, sáng kiến kỹ thuật. Các cấp, các ngành và từng cá nhân tích cực tự nghiên cứu để nắm chắc về vũ khí, trang bị kỹ thuật của đơn vị mình, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Chúng tôi xác định không chủ quan, nôn nóng, học chắc lý thuyết, thực hành đúng nguyên tắc, quy tắc sau đó mới qua giai đoạn khai thác sử dụng”.
Nhờ bảo đảm tốt công tác kỹ thuật cho các nhiệm vụ, năm 2021, Lữ đoàn 125 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; được tặng Cờ thi đua Bộ Quốc phòng và danh hiệu "Đơn vị huấn luyện giỏi".
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!