Trên địa bàn huyện Sốp Cộp có tuyến biên giới dài gần 125 km tiếp giáp với nước bạn Lào. Tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy khu vực biên giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ ma túy xâm nhập vào cộng đồng, trong đó có cả môi trường học đường.
Hiện nay, tại huyện Sốp Cộp có 1.165 học sinh Trường THPT Sốp Cộp, 328 học sinh Trường PTDT Nội trú THCS&THPT, 458 học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện; khối lớp 8 có 1.164 học sinh, khối lớp 9 có 1.020 học sinh, đây là lứa tuổi có nguy cơ ảnh hưởng cao về ma túy học đường. Các xã vùng sâu vùng xa của huyện Sốp Cộp, điều kiện kinh tế còn khó khăn, đời sống của nhiều gia đình học sinh gặp nhiều hạn chế, do vậy dễ bị các đối tượng lôi kéo vào những tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy.
Nhìn lại năm 2017, một số đối tượng xấu chuyên buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã lợi dụng các em học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc Mông vận chuyển ma túy cho chúng. Công an huyện Sốp Cộp đã phát hiện và phải xử lý hình sự và hành chính 8 đối tượng là học sinh khối THPT đang học trên địa bàn huyện, có 10 đối tượng khác là học sinh đã bỏ học. Nguyên nhân chính xuất phát từ gia đình, nhất là những gia đình có dấu hiệu phức tạp về ma túy, hôn nhân...
Trước những nguy cơ cao về ma túy có thể thâm nhập vào học đường, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp đã triển khai các chương trình tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của ma túy. Mỗi buổi sinh hoạt lớp hay sinh hoạt ngoại khóa, các giáo viên đưa ra các tình huống, thông tin liên quan đến ma túy để học sinh hiểu và phòng tránh.
Gia đình là điểm tựa quan trọng trong việc bảo vệ học sinh khỏi những nguy cơ về ma túy. Các bậc phụ huynh được các nhà trường khuyến khích tham gia các buổi họp lớp và trao đổi về phòng, chống ma túy, từ đó hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng ngừa. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức nhiều buổi gặp mặt gia đình để tăng cường sự liên kết giữa nhà trường và phụ huynh, tạo ra một môi trường an toàn và lành mạnh cho các em.
Cô giáo Đoàn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú, TH và THCS Nậm Lạnh, chia sẻ: Nhà trường thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền cho học sinh về tác hại của ma túy đối với cộng đồng; lồng ghép tuyên truyền trong các tiết học... Tuy nhiên, ngoài thời gian ở lớp, chúng tôi vẫn lo lắng việc các em có tiếp xúc với những cám dỗ ngoài xã hội. Do đó, nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, gia đình vận động các em tránh xa ma túy và các chất kích thích khác.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhà trường và gia đình, huyện Sốp Cộp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống ma túy học đường. Nhiều năm nay, trên địa bàn huyện không còn tình trạng ma túy xâm nhập vào học đường.
Thượng tá Phạm Văn Tâm, Phó trưởng Công an huyện Sốp Cộp, thông tin: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 1 hội nghị cấp huyện với 257 người tham gia, 8 hội nghị cấp xã, 159 cuộc hội nghị cấp bản và tại các trường học với 21.832 lượt người tham gia. Tổ chức tuyên truyền, vận động cá biệt, giáo dục, cảm hóa 80 trường hợp có nguy cơ phạm tội về ma túy. Các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ 55 vụ, 61 đối tượng, thu giữ 2.947 viên ma túy tổng hợp, 1,85 gam heroin, 8,69 gam nhựa thuốc phiện. Trong các đối tượng bị bắt giữ, không có đối tượng là học sinh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, huyện Sốp Cộp đang từng bước xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh, giúp học sinh tránh xa các tệ nạn xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!