Cơ chế, chính sách - chìa khóa đưa nông nghiệp Sơn La bứt phá • Kỳ 3: Mang về những mùa trái ngọt

Với diện tích trên 84.700 ha cây ăn quả, tỉnh Sơn La trở thành địa phương có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 của cả nước và đứng thứ nhất của miền Bắc. Chiến lược sản xuất nông nghiệp của Sơn La là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và nông nghiệp hữu cơ. Nhiệm vụ đặt ra cho HĐND tỉnh trong giai đoạn này là tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành thêm các cơ chế, chính sách tiếp sức cho nông nghiệp vươn xa, nâng tầm giá trị, mang về những mùa trái ngọt.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng nông sản đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.

 

Tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững

Để nông sản Sơn La được các thị trường chấp nhận, việc đầu tiên phải cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất và quản lý tốt mã số vùng trồng, quản lý, sử dụng hiệu quả thương hiệu sản phẩm. Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐND về quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025.

Theo Nghị quyết 50, đối tượng được hưởng chính sách này gồm: HTX, hộ gia đình có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX, công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ giống dứa với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; hỗ trợ màng phủ nilon sử dụng làm vật liệu che phủ cho cây dứa theo quy trình kỹ thuật 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ giống phát triển cây chanh leo với mức 5 triệu đồng/ha; hỗ trợ giống phát triển cây ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương, mức 3 triệu đồng/ha. Thời gian hỗ trợ đến 31/12/2025... Hiện nay, các huyện, thành phố đang rà soát, tổng hợp đề xuất hỗ trợ theo quy định.

Vùng nguyên liệu dứa của trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La tại huyện Sốp Cộp.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phổ biến, triển khai nghị quyết theo đúng quy định. Thực hiện hiệu quả các chính sách, UBND tỉnh còn thường xuyên tổ chức họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, lồng ghép nội dung kiểm tra việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh vào các cuộc kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại 12 huyện, thành phố.

Các chính sách hỗ trợ cho người dân, HTX, doanh nghiệp đã tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Nhiều địa phương đã vận dụng, có những cách làm sáng tạo trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cho giá trị cao.

Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị nông sản

Mô hình trồng na ở bản Mế Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn là ví dụ điển hình thông qua chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, nhiều hộ dân đã ứng dụng công nghệ cao trồng na cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Cùng thăm mô hình na, anh Nguyễn Hữu Tứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX thành lập năm 2018, có 23 thành viên, quy mô 150 ha trồng na. Năm 2015, HTX chuyển đổi sang trồng na dai, đến năm 2019 thực hiện ghép cải tạo 70 ha na dai bằng giống na hoàng hậu, năm 2021 tiếp tục ghép thay thế 50 ha na dai bằng giống na sầu riêng. Việc ứng dụng ghép, cải tạo vườn na bằng các giống chất lượng cao, đã nâng cao chất lượng quả, đem lại giá trị kinh tế lớn cho nông dân. Anh Tứ thông tin thêm: Trong quá trình thực hiện mô hình, HTX luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ cả về kinh phí và kỹ thuật. Cụ thể, năm 2019, HTX được hỗ trợ trồng nhãn theo quy trình VietGAP, đầu tư hệ thống tưới ẩm, bao bì với tổng mức hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng. Năm 2020, HTX tiếp tục được hỗ trợ sử dụng phân hữu cơ thay thế vô cơ, với tổng kinh phí 900 triệu đồng.

Trở lại câu chuyện chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng nhãn của anh Lường Văn Âm, Phó Giám đốc HTX Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Ngoài ghép mắt cải tạo vườn nhãn giống bản địa bằng giống nhãn Miền Thiết cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, anh và các thành viên còn áp dụng kỹ thuật tỉa cành, bón phân ép nhãn ra hoa, cho thu hoạch quả sớm hơn chính vụ khoảng 2 tháng. Ngoài ghép mắt cải tạo, áp dụng kỹ thuật tỉa cành, bón phân ép nhãn ra hoa, cho thu hoạch quả sớm, HTX đã liên kết với Công ty phân bón Fusa và làm theo đúng quy trình, tiêu chuẩn công ty đề ra. Do đó, năm 2021, nhãn của HTX đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Australia, Hà Lan. Diện tích nhãn của HTX cũng nằm trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Sông Mã đang xây dựng. Năm 2023, với diện tích 150 ha nhãn, HTX dự kiến thu hoạch trên 400 tấn nhãn quả.

Chế biến “long nhãn mắt rồng” tại Công ty CP XNK hoa quả Sơn La.

Tự hào với những thành tích trong nông nghiệp của huyện nhà, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sông Mã, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, thông qua các chính sách hỗ trợ HĐND tỉnh, huyện Sông Mã đã hỗ trợ bao bì, thành lập mới HTX, đầu tư cơ sở chế biến bảo quản sản phẩm nông sản và xây dựng các mô hình cho các doanh nghiệp, HTX, hộ dân trên địa bàn với tổng trị giá trên 44,7 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của huyện, trong đó có sản phẩm nhãn.

Có thể thấy các nghị quyết về nông nghiệp được HĐND tỉnh ban hành có sự tiếp nối, phù hợp với thực tiễn phát triển của nông nghiệp tỉnh Sơn La. Đồng chí Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, chia sẻ: Với quy trình thẩm tra bài bản, khoa học, các chính sách ban hành thuộc lĩnh vực nông nghiệp phát huy hiệu quả. Đến nay, tỉnh Sơn La có trên 84.700 ha cây ăn quả. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phát triển diện rộng. Toàn tỉnh có 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương; 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; 110 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; đã cấp được 281 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, diện tích trên 4.600 ha; trên 1.200 ha ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm nước; 53 ha sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; 17 mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Từ hướng đi đúng, cách làm bài bản đã làm xoay chuyển ngành nông nghiệp Sơn La. Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện chuỗi Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, diện tích cây ăn quả của tỉnh tăng thêm gần 60.000 ha; giá trị sản xuất các loại quả trong tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng từ 4,3% năm 2015 lên 16,5% năm 2022. Toàn tỉnh có hàng vạn nông dân SXKD giỏi cấp xã, gần 2.000 hộ SXKD giỏi cấp huyện, gần 1.500 cấp tỉnh, 183 hộ cấp trung ương, nổi lên nhất là trồng cây ăn quả.

Nông dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn bao trái xoài.

Chuỗi nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đang “nở hoa” trong thực tiễn, đem lại những mùa trái ngọt, là minh chứng cho những chủ trương, định hướng đúng đắn của tỉnh Sơn La trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp bền vững, phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới. Các Nghị quyết được ban hành đã nâng cao thu nhập cho người nông dân; phát triển HTX sản xuất, chế biến, góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới... Các chính sách đã tạo cú hích, tác động tích cực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần giúp ngành nông nghiệp tạo ra “bệ đỡ” cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Đảm bảo nghị quyết ban hành đúng mục đích, đối tượng, phù hợp với thực tế, đồng chí Chá A Của, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, thông tin: Thời gian tới, HĐND tỉnh Sơn La sẽ cùng UBND tỉnh và các ngành tổ chức đánh giá lại toàn bộ các nghị quyết liên quan đến phát triển nông nghiệp đã triển khai, nhất là nhóm nghị quyết chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc. Từ kết quả thực tiễn, sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp. Trước mắt HĐND tỉnh Sơn La sẽ ban hành nghị quyết mới về việc sắp xếp lại các khu quy hoạch, khu sản xuất, chế biến nông sản… để làm sao phát triển nhanh nhưng phải bền vững, tạo niềm tin trong nhân dân, nhất là trong khâu tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng được mùa, mất giá. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các nghị quyết đang triển khai, đảm bảo phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển nông nghiệp giai đoạn 2023-2025.

Khởi hành đoàn xe đưa xoài, nông sản Sơn La vào hệ thống phân phối và xuất khẩu năm 2022.

Với sự hỗ trợ, giúp sức từ cơ chế, chính sách, Sơn La đang có bước đi vững chắc trên hành trình xây dựng nền nông nghiệp số. Ước mơ về những vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những chuyến xe ra vào thu mua nông sản đưa về nhà máy chế biến, những đoàn khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ trên đồng đất Sơn La đang hiện thực hóa mục tiêu “Nông nghiệp của Sơn La tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới