Người khuyết tật thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội rất cần sự quan tâm. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, tạo việc làm, sinh kế, công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cũng được chú trọng.
Ông Đặng Văn Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thông tin: Toàn tỉnh hiện nay có 19.779 người khuyết tật (NKT). Bám sát kế hoạch, Trung tâm xây dựng kế hoạch truyền thông; cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho NKT. Lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở các tổ chức hội bảo trợ tàn tật và trẻ mồ côi trên địa bàn các huyện, thành phố. Xây dựng chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp, trang Fanpage của Trung tâm. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, Trung ương đóng trên địa bàn xây dựng phóng sự tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT. Trung tâm và phòng tư pháp các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức các buổi TGPL lưu động. 8 tháng qua, Trung tâm tổ chức 53 đợt truyền thông tại các bản đặc biệt khó khăn, ở 12 xã thuộc 6 huyện, với 2.420 người tham dự; phát 13.200 tờ gấp pháp luật để nhân dân nghiên cứu.
Tại các hội nghị trợ giúp pháp lý, báo cáo viên Trung tâm đã phổ biến chính sách pháp luật có liên quan đến NKT, như: Luật TGPL; Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành; các chính sách liên quan trực tiếp tới NKT trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm, bảo trợ xã hội, hôn nhân gia đình...; các thủ tục hành chính để hưởng các chế độ liên quan đến người khuyết tật. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước dành cho NKT và các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tạo niềm tin vào công lý của người dân.
Ông Quàng Văn Ngoan, bản Tốm, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Tôi bị khuyết tật về vận động, trong cuộc sống, đôi lúc gặp phải vướng mắc liên quan đến những vấn đề pháp luật. Bởi vậy, khi được trực tiếp tham gia hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước bản thân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động tư vấn, TGPL miễn phí như thế này hết sức thiết thực, hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Ông Điêu Chính Tùng, cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết: Trợ giúp pháp lý cho NKT có những khó khăn nhất định. Ðối với những NKT về cơ thể thì có thể giao tiếp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhưng NKT về tinh thần thì phải thông qua người thân, nên đôi khi khó xác định nguyện vọng. Đa số NKT gặp trở ngại trong việc đi lại, giao tiếp nên họ khó khăn khi tìm đến Trung tâm TGPL nhà nước hoặc các điểm TGPL tại cơ sở để được hỗ trợ, giúp đỡ. Do đó, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng TGPL phải về cơ sở để tiếp cận, tư vấn và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan mà NKT vướng mắc để tư vấn; cung cấp dịch vụ TGPL miễn phí bảo vệ quyền lợi cho họ.
Cùng với công tác truyền thông TGPL, 8 tháng qua, các địa phương đã phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động thăm, tặng quà cho 9.467 lượt NKT, trị giá hơn 3,3 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 7 trường hợp, trị giá trên 481 triệu đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 1.735 trường hợp; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 767 trường hợp; phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng cho 30 NKT vận động, dị tật hàm ếch, tim bẩm sinh. Ngoài ra, còn hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, cây giống, con giống, phương tiện dụng cụ sản xuất cho 35 hộ có NKT thuộc diện hộ nghèo.
Chính sách trợ giúp cho NKT là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho người yếu thế trong xã hội, giúp họ xóa bỏ mặc cảm và có các quyền, nghĩa vụ bình đẳng. Thời gian tới, Trung tâm TGPL tỉnh tiếp tục bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác TGPL những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt, đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức truyền thông pháp luật và TGPL đặc thù để tiếp cận đối với NKT.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!