Triển khai nhiệm vụ tư pháp toàn diện, đồng bộ, hiệu quả

Những năm qua, hoạt động tư pháp các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giọng nữ
Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin: Bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, ngành đã triển khai nhiệm vụ tư pháp toàn diện, đồng bộ và hiệu quả ở các cấp, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Sở đã trực tiếp xây dựng, thẩm định và kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản QPPL; tham gia ý kiến và tổ chức lấy ý kiến nhân dân xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của Quốc hội và nhiều dự thảo văn bản QPPL của các bộ, ngành Trung ương… đảm bảo thời gian, chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi trong thực tiễn.

Từ đầu năm đến nay, Sở đã thẩm định 23 dự thảo văn bản; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xem xét, kiểm tra 25 đề nghị xây dựng quyết định của UBND tỉnh. Tham gia ý kiến đối với 107 dự thảo văn bản, trong đó, 23 văn bản dự thảo của Trung ương, 84 văn bản, dự thảo địa phương. Đồng thời, đề xuất với UBND tỉnh xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong công tác chỉ đạo, điều hành. Ban hành kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thành phố đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền. Nội dung tập trung vào các vấn đề được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận, như: Các quy định, chính sách mới trong các văn bản pháp luật; các quy định pháp luật về đất đai; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống cháy nổ; phòng chống thiên tai; an toàn giao thông; quản lý trật tự xây dựng; pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, nuôi con nuôi; các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em....

Từ đầu năm đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã tổ chức 3.520 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 214.510 lượt người. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã chủ động, linh hoạt, đa dạng hóa hình thức PBGDPL, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn, khu vực. Duy trì 2.294 tổ hòa giải, với tổng số 14.174 hòa giải viên tại các bản, tổ dân phố, cụm dân cư. 8 tháng đầu năm, các tổ đã tiếp nhận và hòa giải thành công 571/673 vụ việc. Qua đó, đã giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp mâu thuẫn nhỏ xảy ra trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp tại cơ sở.

Sở Tư pháp đã tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố xem xét hồ sơ và thẩm định chỉ tiêu số 18.5 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025. Đến nay, có 191/204 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đối ngoại hợp tác trên lĩnh vực tư pháp được tổ chức thực hiện và đạt kết quả tốt.

Ngành còn chỉ đạo xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, phần mềm cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về công tác công chứng, xử lý vi phạm hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hiện nay, ngành sử dụng ứng dụng phần mềm quản lý văn bản; phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp; phần mềm quản lý lý lịch tư pháp, phần mềm “Kiềng ba chân” trong giải quyết thủ tục lý lịch tư pháp; phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp..., góp phần nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian xử lý công việc.

Phát huy truyền thống 79 năm xây dựng và phát triển ngành Tư pháp (28/8/1945- 28/8/2024), Sở Tư pháp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng thẩm định văn bản QPPL theo quy định; nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới