Nới điều kiện cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ là một trong những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, về nội dung này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phóng viên: Xin ông cho biết thực trạng việc cấp sổ đỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực?
Ông Nguyễn Tiến Dương: Thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Sở TN&MT phối hợp với các địa phương rà soát, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu với đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 7/12 huyện, thành phố đã rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, các cụm dân cư tại 37 khu đất sang đất ở; 12/12 huyện, thành phố được UBND tỉnh điều chỉnh ranh giới, diện tích quy hoạch 3 loại rừng, cấp GCNQSDĐ lần đầu hộ gia đình, cá nhân.
Với đất ở lần đầu, đến tháng 7/2024, toàn tỉnh có 53.427 hộ cần cấp GCNQSDĐ. Trong đó, 48.387 hộ đủ điều kiện cấp giấy; đã ký quyết định công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ 47.933 hộ, đạt 99,06% so với tổng số hộ đủ điều kiện; 454 hộ chưa có quyết định công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ; 5.040 hộ chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
Đối với đất sản xuất nông nghiệp, có 59.036 hộ cần cấp giấy chứng nhận. Trong đó, 55.756 hộ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận; đã có quyết định công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho 55.402 hộ, đạt 99,4%; còn 354 hộ chưa có quyết định công nhận quyền sử dụng đất; 3.280 hộ chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
Với quyết tâm, nỗ lực cao của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của UBND các huyện, thành phố, về cơ bản công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu trên địa bàn tỉnh đến nay đã hoàn thành. Tuy nhiên, còn nhiều trường hợp đã ký giấy chứng nhận nhưng chưa trao đến người sử dụng đất do người dân không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính; thuộc đối tượng miễn tiền nhưng chưa ban hành quyết định miễn tiền sử dụng đất; thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất nhưng tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, thiếu thủ tục miễn tiền sử dụng đất nên cơ quan thuế ra thông báo nộp tiền sử dụng đất, người dân không đồng ý nộp tiền, chưa nhận giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ lập, nhưng chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận do vướng mắc quy hoạch; đất nằm trên khu vực có nguy cơ sạt lở; vướng mắc về đất nông, lâm trường, an ninh, quốc phòng; đất 5% do UBND xã quản lý; nguồn gốc sử dụng đất không rõ ràng...
Đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường, bàn giao về địa phương: Diện tích đất giao cho UBND các huyện quản lý, sử dụng có khối lượng rất lớn, nhưng không liền khoảnh, nằm rải rác; việc xác định vị trí, ranh giới đất khó khăn do nằm xen kẽ với đất công ty tiếp tục sử dụng, trong khu dân cư đã có nhà ở, đất thuộc quyền sử dụng của người dân được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ trong thời gian từ năm 1992 đến năm 1994, nhưng hiện nay hồ sơ lưu trữ tại cấp huyện không có…
Nguyên nhân là do việc tuyên truyền về chính sách đất đai, nhất là chính sách ưu đãi, hỗ trợ về miễn, giảm, ghi nợ tiền sử dụng đất ở một số địa bàn chưa thường xuyên, liên tục. Do đó, một số hộ, cá nhân đã xét duyệt hồ sơ, sau khi ban hành thông báo nghĩa vụ tài chính không có khả năng thực hiện, dẫn đến nợ nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế. Tại nhiều khu vực, các hộ tự ý chia tách thửa đất được giao cho con cháu, chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người khác sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, sử dụng đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… dẫn đến khó khăn, vướng mắc xác định nguồn gốc sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận...
Phóng viên: Luật Đất đai 2024 có quy định mới trong việc cấp sổ đỏ như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dương: Chương X, Luật Đất đai 2024 gồm 15 điều (từ Điều 128 đến Điều 152), quy định về đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, quy định rõ thẩm quyền cấp GCNQSDĐ nhằm phân định rõ quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của cơ quan nhà nước thông qua việc cấp giấy chứng nhận lần đầu, tách riêng giữa vai trò quản lý nhà nước (việc công nhận quyền sử dụng đất) với việc cung cấp dịch vụ công của cơ quan đăng ký (việc cấp giấy chứng nhận), đưa công tác cấp giấy chứng nhận được chuyên nghiệp hóa, làm cơ sở cho việc thống nhất công tác đăng ký đất đai, quản lý hồ sơ địa chính từ Trung ương tới địa phương.
Bổ sung quy định giao UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 phù hợp thực tiễn địa phương. Bổ sung thời điểm áp dụng quy định về hạn mức đất ở của địa phương (được thực hiện theo quy định tại thời điểm người sử dụng đất nộp hồ sơ để cấp giấy chứng nhận), trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp đã đăng ký và đủ điều kiện.
Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, đồng thời, có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan Nhà nước. Quy định hình thức đăng ký đất đai, đăng ký biến động đất đai được thực hiện đăng ký trên giấy hoặc đăng ký trên môi trường điện tử và đều có giá trị pháp lý như nhau. Tài sản gắn liền với đất được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất. Bổ sung quy định về đăng ký biến động đất đai đối với trường hợp có thay đổi về quyền sử dụng đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, quyền sở hữu công trình ngầm.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 quy định 4 trường hợp cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân, cụ thể: Trường hợp 1, người sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất (quy định chi tiết tại Điều 137 Luật đất đai 2024); trường hợp 2, người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không thuộc trường hợp có vi phạm pháp luật và giao đất không đúng thẩm quyền; trường hợp 3, người sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014 (quy định chi tiết tại Điều 139, Luật đất đai 2024); trường hợp 4, người sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền.
Các quy định mới của Luật Đất đai 2024, góp phần tháo gỡ một số tồn tại, hạn chế cho Sơn La trong công tác cấp GCNQSDĐ. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất.
Phóng viên: Sở TN&MT đã tham mưu triển khai việc cấp GCNQSDĐ cho nhân dân đảm bảo đúng Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dương: Hiện nay, Sở TN&MT có công văn đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương rà soát, thống kê các trường hợp đủ điều kiện giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, Điều 119 và Khoản 3, Điều 124, Luật Đất đai năm 2024 (bao gồm cả các thửa đất nhỏ hẹp) để xem xét thực hiện đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ cho người dân.
Thống kê các trường hợp đủ điều kiện đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ lần đầu cho người đang sử dụng đất ổn định mà có giấy tờ hoặc không có giấy tờ theo quy định tại Điều 137, Điều 138, Điều 139, Điều 140 Luật Đất đai năm 2024. Xác định theo các mốc thời gian sử dụng đất: Sử dụng đất trước 15/10/1993; sử dụng đất từ 15/10/1993 đến 1/7/2004; sử dụng đất từ sau 1/7/2004 đến trước 1/7/2014 để đăng ký đất đai, chuyển thông tin thuế, xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp đủ điều kiện đăng ký đất đai và xem xét cấp GCNQSDĐ theo nhu cầu của người sử dụng đất.
Đối với các thửa đất không đủ điều kiện, thực hiện việc đăng ký đất đai, quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 132 và Điều 217, Luật Đất đai năm 2024, Sở TN&MT đã chỉ đạo phòng TN&MT phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, UBND cấp xã thẩm định, trình UBND cấp huyện cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn người sử dụng đất kê khai, đăng ký đất đai đối với các trường hợp không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Rà soát các các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, đánh giá tình hình sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân và chỉ đạo khắc phục đối với từng trường hợp (phù hợp quy hoạch, không phù hợp quy hoạch, lấn chiếm …).
Để triển khai cấp GCNQSDĐ cho các trường hợp người sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai trước thời điểm 1/7/2014; đến nay, đang sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất địa phương; UBND tỉnh Sơn La đã tiến hành kiểm tra thực địa tình hình quản lý, sử dụng đất tại một số khu vực có vi phạm trên địa bàn huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa và làm việc với các địa phương, UBND tỉnh đang giao Sở TN&MT nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn UBND các huyện, thành phố quy trình các bước thực hiện công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014 (có mẫu cam kết kèm theo), đảm bảo quá trình thực hiện đồng nhất toàn tỉnh. Tham mưu với UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến Bộ TN&MT đối với nội dung về thu lợi bất hợp pháp khi xử lý vi phạm về đất đai của các hộ gia đình, cá nhân đã vi phạm trước thời điểm ngày 1/7/2014.
UBND tỉnh giao UBND thành phố, huyện Mai Sơn rà soát, đẩy mạnh tuyên truyền các hộ gia đình, cá nhân các quy định mới của Luật Đất đai 2024. Tổng hợp nhu cầu cấp GCNQSDĐ của các hộ gia đình, cá nhân; tổ chức ký cam kết về triển khai các thủ tục và thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, triển khai cấp GCNQSDĐ cho các hộ theo đúng quy định, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, tránh phát sinh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!