Hỏi đáp về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

 

Hội nghị tập huấn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Sở Tư pháp tổ chức.

 

Hỏi: Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định phạm vi điều chỉnh như thế nào? Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện nhằm mục tiêu gì?

Trả lời: Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bao gồm các tiêu chí tiếp cận pháp luật, nội dung xây dựng, thẩm quyền, quy trình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tại Điều 2, Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đề ra các mục tiêu thực hiện nhiệm vụ này, như sau:

1- Nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã.

2- Tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, quản lý Nhà nước và xã hội bằng pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ.

3- Cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hỏi: Việc triển khai thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vị trí, vai trò như thế nào? Đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm những tiêu chí nào?

Trả lời:

1- Việc triển khai thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vị trí, vai trò là tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ, góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, bảo vệ trật tự an toàn xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực về xây dựng, thi hành Hiến pháp, pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2- Qua đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giúp cơ quan, tổ chức thấy được những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, từ đó có giải pháp khắc phục, tháo gỡ kịp thời.

3- Việc bổ sung “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”  là tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và là nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần và nhu cầu của nhân dân.

Tiêu chí tiếp cận pháp luật được quy định tại Điều 5, Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, tiêu chí này bao gồm 5 tiêu chí thành phần với tổng số điểm tối đa là 100 điểm, cụ thể, như sau:

- Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật (15 điểm)

- Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã (30 điểm)

- Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm)

- Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở (10 điểm)

- Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở (20 điểm).

Hỏi: Điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thẩm quyền công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Quyết định số 619/QĐ-TTg, cấp xã được xét, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi đáp ứng đủ 4 điều kiện, như sau:

1- Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa.

2- Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III.

3- Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 5, Quy định này đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên.

4- Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

Về thẩm quyền công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Quyết định số 619/QĐ-TTg thì thẩm quyền công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (cấp huyện).

Linh Loan (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới